Hội thảo được kết nối trực tuyến giữa trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cách đây 75 năm, vào tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam triệu người như một, nhất tề đứng lên, với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 60 ngày đêm khói lửa mở đầu toàn quốc kháng chiến đã tạo động lực, niềm tin để quân và dân ta chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ; là tiền đề đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
75 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện mở đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị thời sự; khẳng định ý chí kiên cường, lòng quả cảm, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Khí thế của những ngày toàn quốc kháng chiến tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, nhằm tri ân những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, thực tiễn những ngày Toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, trong đó có việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như một chất keo sơn để tiếp tục củng cố, quy tụ thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đảm bảo vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
35 tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 11 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung phân tích bối cảnh lịch sử và âm mưu, dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và nghệ thuật mở đầu cuộc kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nêu bật ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; đánh giá tầm vóc, giá trị lịch sử của sự kiện Toàn quốc kháng chiến và đúc kết những bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.