Tại làng hoa Trung Liên, xã Nghi Liên, thành phố Vinh, hầu như nhà vườn nào cũng đang bận rộn, tất bật với những luống hoa, chậu hoa ở ngoài đồng và trong vườn nhà.
Với người dân nơi đây, vụ hoa Tết là mùa được trông đợi nhất trong năm, bởi đây là mùa làm ăn chính, cho thu nhập cao. Vì thế, ai cũng muốn trồng được những chậu hoa đẹp nhất để bán với giá cao hơn. Mùa hoa Tết năm nay, nông dân vẫn trồng các loại hoa quen thuộc như cúc đại đóa, cúc vạn thọ, cát tường, ly, hồng, cẩm tú cầu, thạch thảo, lay ơn...
Theo nhiều nông dân trồng hoa ở làng hoa Trung Liên, năm nay hoa cúc trồng ở ngoài đồng bị thất thu, mất trắng do thời tiết. Những đợt mưa kéo dài liên tiếp từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 đã làm cho những luống hoa cúc đại đóa, cúc vạn thọ bị thối rễ, hư hỏng hoàn toàn.
Chị Trần Thị Tuyên, một hộ trồng hoa ở làng hoa Trung Liên cho biết, vụ Tết năm nay, gia đình chị trồng 2 vạn gốc đủ loại: cúc đại đóa, thọ kim cương, pha lê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa ngập úng kéo dài khiến số lượng hoa phục vụ Tết bị hư hỏng hoàn toàn.
“Năm nay thời tiết khắc nghiệt, tháng 9-10 mưa quá nhiều, làm cây không phát triển được, bị hỏng bộ rễ, vàng lá, đốm nấm, bà con phải ra sức chăm sóc, chi phí thuốc men nhưng vẫn không thể cứu vãn được. Để vớt vát lại vụ hoa Tết, gia đình tôi tiếp tục trồng 2.000 gốc cúc vạn thọ, cúc đại đóa phục vụ thị trường Tết. Đây là giai đoạn nước rút nên gia đình ngày đêm chăm sóc vườn hoa, cùng với đó phải tăng cường thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đội lên nên dự kiến vụ Tết này có chi mà thu chẳng là bao”, chị Trần Thị Tuyên bày tỏ.
Tuy nhiên, với những vườn trồng các loại hoa khác như ly ly, sống đời, lay ơn, cẩm tú cầu, cát tường, thạch thảo… thời tiết hiện rất thuận lợi, hoa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, làng hoa Trung Liên đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa cho biết, năm nay gia đình chị cũng bị thất thu số lượng lớn hoa đã gieo trồng ở ngoài đồng, bù lại gia đình đã chuyển hướng tập trung chăm sóc số lượng hoa còn lại ngay trong vườn nhà. Hiện 3.000 cây hoa lay ơn, 5.000 ly ly, 2.000 đồng tiền… đang phát triển tốt nên năm nay chi phí cho vụ hoa Tết này của gia đình chị vì thế cũng vớt vát được phần nào.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên thông tin: Toàn xã trồng hơn 12 ha hoa Tết, tập trung ở các xóm Trung Liên, Hồng Liên, Bắc Liên... Thời tiết không thuận lợi nên mùa hoa Tết năm nay bà con bị thất thu khá nhiều. Địa phương cũng động viên bà con tiếp tục chăm sóc những cây hoa giỏ treo trên cao và cây cảnh trồng trong bồn, chậu không bị ảnh hưởng bởi ngập úng. Đồng thời nhập hoa từ các địa phương khác về để bán vì nguồn hoa tự cung tự cấp như các năm hiện nay hầu như không còn”.
Tại vùng trồng hoa của xã Nghi Ân, thành phố Vinh có khởi sắc hơn. Nhiều nhà vườn đã không ngại đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng để đầu tư cho vườn hoa với hy vọng thu lợi nhuận cao.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa, ngay từ giữa tháng 10 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Hữu Hóa, làng hoa Kim Chi, xã Nghi Ân đã xuống giống số lượng lớn các loại hoa thược dược, hải đường, thạch thảo, dạ yến thảo… vừa để chậu bàn, treo, khuôn viên… phục vụ thị trường Tết.
Theo ông Hóa, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần phải chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ tháng đầu tiên xuống giống. Khi các loại cây còn nhỏ, việc xới đất cũng cần cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Nếu muốn cây có cành mập, hoa to thì không nên bấm ngọn mà tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại 1-2 nụ trên thân. Cây hoa được chăm chút cẩn thận cộng thêm thời tiết tốt giá sẽ cao hơn.
Với người dân Nghi Ân, từ lâu nghề trồng hoa không chỉ mang lại thu nhập chính cho người dân mà còn tạo nên nét đẹp riêng cho địa phương. Năm nay bên cạnh các loại hoa truyền thống đang được làng khôi phục, các hộ trồng hoa còn du nhập một số giống hoa mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng như cúc cổ Sa Pa, cúc chi, các loại hồng cổ, chậu bon sai nhỏ…
Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ vườn hoa tươi Sinh Thuận, làng hoa Nghi Ân cho biết, một tháng qua, sau đợt mưa kéo dài, thời tiết bắt đầu ổn định, thuận lợi, nhiều nắng nên các cây giống gieo xuống đều phát triển đúng tiến độ. Với diện tích hơn 5.000m2, năm nay gia đình ông trồng hàng chục nghìn chậu cát tường, cúc đại đóa, cúc hòe, sống đời, dạ yến thảo, hoa hồng, hoa giấy ngũ sắc, trạng nguyên… ngoài ra còn nhập một số loại như dừa kiểng, bon sai, cây hạnh phúc, hồng cổ, các loại cúc chậu từ các địa phương khác về phục vụ người dân. Trung bình mỗi ngày vườn bán ra thị trường 150 -2.000 chậu hoa cây cảnh các loại. Nếu so với các năm trước thì năm nay sức mua chậm hơn.
Những năm gần đây, nghề trồng hoa đã mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trước đây, nghề trồng hoa phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống từ các nhà vườn ươm, thế nhưng Tết năm nay nhiều nhà vườn đã tự ươm cây. Hiện nay trên địa bàn xã Nghi Ân có khoảng 250 hộ chuyên trồng, kinh doanh hoa cây cảnh. Nhiều hộ dân giàu có nhờ vào việc kinh doanh, trồng hoa cây cảnh bán cho các thương lái.
Ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, Thành phố Vinh cho biết, chính quyền cũng động viên bà con tích cực chăm bón các loại hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Để tránh tình trạng giá hoa bấp bênh, nhiều nhà vườn chủ động liên kết với các cơ sở buôn bán, thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo các nhà vườn, khoảng đầu tháng 12 âm lịch thì những loài hoa, cây cảnh sẽ có thương lái tới tận vườn mua, mặt khác nhiều gia đình cũng đưa sản phẩm về chợ hoa Tết để bán. So với năm ngoái, thời điểm này sức mua của người dân có giảm hơn.
Dự báo từ các nhà vườn, năm nay giá cả các loại hoa Tết có thể tăng nhẹ 5-10% do chi phí thuê nhân công chăm sóc, phân bón tăng hơn so với mọi năm. Riêng cúc đại đóa, ly ly trồng chậu sẽ tăng cao do ảnh hưởng bởi thời thiết, dự báo sẽ khó cho hoa đẹp.