Bỏ hoang đồng ruộng
Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 của tỉnh Thừa Thiên – Huế bị mất mùa do ảnh hưởng liên tiếp của hai đợt mua lũ bất thường kèo dài xảy ra ở đầu vụ và giai đoạn gần cuối vụ, làm ngập trắng nhiều cánh đồng, khiến người nông dân rơi vào cảnh lao đao, lo sợ với diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Vụ Hè Thu này, trên cánh đồng Ô Đầm ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, nguồn nước tưới vẫn dồi dào ngay trong những ngày hè nắng gắt do có hồ thủy lợi Truồi ở phía trên núi dẫn nước về hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, đây lại là nơi có diện tích ruộng người dân bỏ hoang nhiều, lên tới hơn 136 ha.
Gia đình ông Lê Tiến Dũng có 1,2 mẫu ruộng phải bỏ hoang trong vụ lúa Hè Thu. Nhìn những cánh đồng lúa của người dân ở hợp tác xã bên cạnh xanh tốt, ông Dũng cũng hơi tiếc nuối với “bờ xôi ruộng mật” mà chỉ có gốc rạ và cỏ dại mọc um tùm. “Cả cánh đồng bị bỏ hoang, mình muốn gieo cấy cũng không được, trồng lúa không thể tự sản xuất đơn lẻ”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, đã lâu lắm rồi, người dân ở Lộc Sơn mới bị mất mùa, bao nhiêu công sức dồn hết cho cây lúa nhưng các đợt lũ lớn trái mùa liên tiếp đổ về ở những giai đoạn phát triển quan trọng của cây lúa khiến cho năng suất bị giảm sâu. Sau đó, người dân cũng không mặn mà làm đất để gieo vụ Hè Thu mà để hoang đồng ruộng.
“Mỗi sào lúa ở vụ Đông Xuân 2021 - 2022 có năng suất thu được chỉ từ 1 - 1,3 tạ thóc, trong khi mọi năm từ 3 – 4 tạ thóc. Chất lượng lúa lại kém như lúa chét với hạt gạo nhỏ, khi nấu có mùi hôi, chỉ dùng làm thức ăn cho chăn nuôi, thương lái không thu mua nên nhiều người dân địa phương rơi vào cảnh phải đi đong gạo về ăn trong khi vụ lúa này ruộng đồng bỏ hoang”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Trí, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bắc Sơn (xã Lộc Sơn) cho biết, vụ lúa Hè Thu năm nay, lần đầu tiên các thành viên của hợp tác xã bỏ hoang đồng ruộng nhiều với diện tích lớn lên tới 136 ha, chỉ canh tác 80 ha. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết từ vụ Đông Xuân dẫn đến trễ lịch thời vụ, còn do chi phí đầu tư phân bón tăng cao, nếu tính về mặt kinh tế sẽ không hiệu quả nên nhiều nông dân đành bỏ ruộng.
“Giá lúa hiện nay thương lái thu mua là 6.200 đồng/kg, trong khi giá phân bón lên tới 18.000 đồng/kg, chênh lệch giá quá cao nên người nông dân sản xuất không có lời, chấp nhận đi làm những công việc khác để có thu nhập”, ông Trí cho biết.
Cần thay đổi mô hình sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong vụ sản xuất lúa Hè Thu 2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 24.000 ha tuy nhiên diện tích bị bỏ hoang là 870 ha tập trung ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền… Đây là lần đầu tiên tình trạng bỏ hoang đồng ruộng xảy ra trên diện rộng ở Thừa Thiên – Huế.
Ông Nguyễn Hữu Thoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) cho biết, việc bỏ hoang đồng ruộng có thể gây ra nhiều hệ lụy, là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hình thành phát triển và lây lan ra những cánh đồng đang canh tác bên cạnh. Nguồn thu của các hợp tác xã hiện nay chủ yếu từ khâu dịch vụ sản xuất cho các thành viên như làm đất, thủy nông, phun thuốc trừ sâu, việc không canh tác làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh phí hoạt động của hợp tác xã.
Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Sơn, vụ Hè Thu này cũng bỏ hoang 37 ha, chỉ canh tác 90 ha. “Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã đi xuống các đội sản xuất vận động người dân không bỏ vụ, nhà nước cũng hỗ trợ 8 tấn lúa giống do ảnh hưởng thiệt hại của mưa lũ vụ Đông Xuân, hợp tác xã hỗ trợ chi phí thủy lợi 50 triệu đồng, hỗ trợ công máy bay phun thuốc trừ sâu… tuy nhiên, nhiều hộ dân không chịu làm. Nếu bỏ vụ Hè Thu này phải mất 9 tháng, qua sang năm mới có lúa thu hoạch trở lại”, ông Nguyễn Hữu Thoan buồn rầu chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Long An cho biết, do ảnh hưởng của thiên tai nên vụ Hè Thu năm nay nhiều địa phương trong tỉnh trễ khung lịch thời vụ từ 15 – 30 ngày, nếu đưa vào gieo cấy sẽ thu hoạch sau 15/9, rơi trúng vào thời điểm lũ chính vụ sẽ gây nhiều thiệt hại. Mặt khác, vụ Hè Thu năng suất lúa thường không cao so với Đông Xuân nên nhiều người dân đã bỏ hoang đồng ruộng. Trong vụ Hè Thu 2022, Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên – Huế 1.500 tấn thóc giống và đã được phân bổ xuống các địa phương đảm bảo đủ giống gieo trồng cho người dân.
“Đây là lần đầu tiên, có nhiều diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang như vậy. Về lâu dài nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực ở khu vực nông thôn. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng khuyến cáo người dân chuyển qua sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để giảm thiểu sử dụng lượng phân bón hóa học, giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tránh tình trạng bỏ hoang đồng ruộng như hiện nay. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với các công ty giống cung cấp những giống lúa cực ngắn ngày, nhằm chủ động ứng phó với biến động thời vụ do ảnh hưởng của thời tiết”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Long An nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm, thủy sản là trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh Thừa Thiên – Huế bị giảm sâu, tăng trưởng âm -7,49% (giảm sâu so với mức tăng cùng kỳ là 4,66%). Năng suất lúa vụ Đông Xuân 2021 – 2022 của tỉnh bình quân ước đạt 45,6 tạ/ha, giảm 31% so với cùng kỳ và thấp nhất từ trước đến nay.