Trước khi Quốc hội thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết 28/2016/QH14 của Quốc hội, trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp, tập đoàn đã góp phần áp dụng khoa học công nghệ và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng. Những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta là đúng đắn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cụ thể, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Tờ trình, Chính phủ đề nghị “Đối với giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi”. Mặt khác, Chính phủ cũng đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất trong thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận).
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tại báo cáo tổng kết của Chính phủ vấn đề số lượng đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi cần được làm rõ. Cho nên cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, nếu chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự như một đòn bẩy giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp thì hoàn toàn ủng hộ. Thực tế giai đoạn 2016 - 2020, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có tổng giá trị 5.671 tỷ đồng/năm cho thấy chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần hỗ trợ trực tiếp nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhìn nhận, không thể chỉ vì đưa ra chính sách mà cần có báo cáo đánh giá tác động theo chiều hướng tích cực, cần có cái nhìn thẳng thắn, đánh giá tác động theo nhiều chiều. Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ, đến địa phương tiếp xúc cử tri đều được báo cáo về tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp nhiều do nhiều nguyên nhân như: Sâu bọ nhiều, dịch chuột phá hoại mùa màng rất khó khắc phục trong khi đầu ra sản xuất bán bấp bênh.
Thực tế, việc sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn nên cần rà soát kỹ lưỡng đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, không thể miễn thuế tràn lan với cả người canh tác trên đất và người bỏ hoang đất. Việc thẩm tra đúng đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng như đánh giá vì sao đất đai bị bỏ hoang thì mới giúp chúng ta có chính sách về nông nghiệp một cách bài bản và lâu dài.
Bên hành lang Quốc hội, khi được hỏi về chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn đối ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân mỗi lúc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra khó lường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những khi khủng hoảng tài chính thì sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi những lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, vận tải bị đình trệ thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn phát triển. Khi dịch bệnh diễn ra ở Việt Nam thì người nông dân đi làm việc xa nhà vẫn phải quay trở về quê hương gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để trồng trọt, sản xuất. Mặc dù vậy, việc người nông dân không yên tâm sản xuất, bỏ đất hoang có rất nhiều nguyên nhân như: Giá sản phẩm nông nghiệp tăng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn...
Vì vậy, cần đánh giá tác động, bất cập của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho kỹ lưỡng. Theo đó, Chính phủ cần phải đánh giá về các đối tượng, phạm vi được miễn thuế. Chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất hiệu quả và không lãng phí đất đai như thế nào.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần hỗ trợ chính sách về phát triển nông nghiệp-nông thôn, khuyến khích người nông dân sử dụng đất hiệu quả, góp phần vào xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: Việc thu mua đất chờ đền bù; giao đất, quản lý sử dụng đất; đất được giao không canh tác hoặc sử dụng đất không hiệu quả dẫn đến bỏ hoang cũng như các chế tài xử lý vi phạm quản lý, sử dụng đất là thuộc phạm vi điều chỉnh trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Những vấn đề này không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Xoay quanh nội dung này, Quốc hội dành phần lớn thời gian ngày 25/5 để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.