Cảnh tan hoang, đổ nát vẫn còn ở nhiều nơi nhưng sự sẻ chia, nỗ lực, quyết tâm của con người đất Mỏ; tinh thần “kỷ luật đồng tâm” được phát huy trong khó khăn, gian khổ sẽ là sức mạnh nội sinh để Quảng Ninh nhanh chóng hồi phục, phát triển.
Thiệt hại nặng nề
Mặc dù đã được dự báo và chuẩn bị nhiều phương án phòng, chống từ trước nhưng sức mạnh của cơn bão số 3 quá khủng khiếp. Những nơi nó càn quét qua để lại hậu quả quá kinh khủng. Thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, tại Quảng Ninh có 9 người tử vong; trên 20.000 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300 ha lúa, hoa màu, trên 17.000 ha rừng trồng bị ảnh hưởng.
Bão số 3 cũng làm hơn 1.400 cột điện bị gãy đổ, gây mất điện trên diện rộng và kéo theo mất nước. Mạng lưới viễn thông gần như tê liệt. Hạ tầng các khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên bị hư hại nặng. Các cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị cũng bị thiệt hại lớn. Hiện, các địa phương vẫn tiếp tục thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Cụ Nguyễn Văn Thương, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long chia sẻ: "Tôi năm nay 80 tuổi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như thế này. Gió giật mạnh và mọi thứ như sụp đổ mỗi khi nó càn quét qua. Gia đình đã chằng chống nhà cửa nhưng không thể chịu nổi trước cơn bão, mái tôn ngôi nhà đã bị thổi bay mất. Giờ mọi người cùng hỗ trợ làm lại".
Ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên gần như mất trắng, lồng bè tan nát, cá, hàu chết hàng loạt; có gia đình thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngư dân Đinh Khắc Phẳng (huyện Cô Tô) rơm rớm nước mắt khi cơ nghiệp gia đình gần như mất trắng, lồng bè nuôi cá, thuyền đánh cá bị hư hỏng nặng. Ông Phẳng nhìn ra phía biển lặng người đi, chưa bao giờ thấy thiên tai dữ dội như thế, những con sóng như muốn nuốt chửng đảo nhỏ. Ông động viên mọi người cố gắng, cùng chung tay gây dựng lại, còn người là còn làm ra của cải. Tranh thủ biển lặng, gia đình ông nhặt lại những dụng cụ bị bão đánh tứ tung. Biển lặng những ngư dân lại tiếp tục ra khơi, họ đã sống với biển, gắn bó với biển bao đời nay.
Bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư 2 khu dịch vụ ăn uống, café, check-in tại Bãi Cháy, cơ sở của anh Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty hệ thống 1900) bình thường thu hút rất đông du khách và giới trẻ đến thăm quan, check-in. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn, 2 cơ sở của anh đã bị bão phá hủy hoàn toàn, buộc phải làm lại từ đầu.
Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ "Cơ sở kinh doanh của tôi đã bị bão tàn phá nặng nề, hiện tại không còn gì, cảnh quan, cây cối bị bão giật đổ nát hết, bây giờ lại phải bắt đầu từ con số 0. Việc bắt đầu lại rất khó khăn, phải đi tìm ý tưởng, xây dựng, thiết kế lại từ đầu theo mô hình, xu hướng mới. Nhưng tôi tin rồi mọi thứ sẽ ổn, rồi du lịch Hạ Long lại trở lại như xưa, chỉ cần mọi người đồng lòng, quyết tâm".
Chung tay khắc phục bão lũ
Bão vừa đi qua, Quảng Ninh lại hứng chịu lũ lụt do hoàn lưu bão. Huyện Tiên Yên, Bình Liêu, thành phố Hạ Long bị lụt cục bộ. Riêng tại huyện Tiên Yên xảy ra sự cố tràn và vỡ đập Hà Thanh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã kịp thời ứng cứu và không để xảy ra thiệt hại về người.
Hiện, cả hệ thống chính trị, người dân Quảng Ninh cùng vào cuộc, chung tay khắc phục hậu quả bão lũ. Tỉnh đã huy động gần 6.000 người từ các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn; 53 ô tô, 38 tàu, 35 xuồng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng. Các bệnh viện, trạm xá, cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời khắc phục để chữa trị cho nhân dân. Ngành Giáo dục cũng khẩn trương khắc phục cơ sở vật chất bị hư hỏng để học sinh tiếp tục đến trường. Tỉnh ưu tiên khắc phục sự cố mất điện, mất nước và tín hiệu viễn thông.
Chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả.
Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, chúng tôi túc trực quân số 24/24 giờ, đồng thời huy động mọi nhân lực, vật lực, trang thiết bị để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 cũng như lũ lụt; tăng tốc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Công an tỉnh Quảng Ninh đồng loạt ra quân hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ. Lực lượng Công an tập trung dọn dẹp các vị trí bị ảnh hưởng, nhất là các tuyến đường trọng điểm, đường dân sinh phục vụ đi lại, sinh hoạt của người dân, gia cố các khu vực xung yếu; hỗ trợ các gia đình chính sách, neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Chị Lương Thị Hường, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Tuấn Đạt chia sẻ: "Sức tàn phá của cơn bão số 3 là quá khủng khiếp, hầu hết cây xanh trong nội đô thành phố Hạ Long bị đốn gãy, bật gốc. Chúng tôi làm thông ngày đêm để thu dọn cây cối gãy đổ, rác, mái tôn, sắt thép, gạch ngói để thông đường, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường".
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Các gia đình đã kịp sửa chữa tạm thời nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, cắt dọn cây đổ ven đường, nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất.
Các tổ dân phố, gia đình, cá nhân đều chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3, chia sẻ những đau thương, mất mát và hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Nhiều gia đình sẻ chia nhau từng xô nước, dùng máy phát điện, wifi cho các hộ xung quan cùng dùng... Bên cạnh đó, hàng nghìn suất cơm, chỗ ở miễn phí được mọi người sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn do bão lũ. Những gia đình neo đơn, khó khăn, người già cũng được quan tâm giúp đỡ...
Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long tâm sự "trong lúc khó khăn bão lũ thế này mình giúp được gì là giúp hết mình, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Chỉ cần mọi người đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ nhau thì mọi khó khăn cũng sẽ vượt qua".
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Ninh cũng “nhường cơm, sẻ áo” cho những tỉnh miền núi gặp khó khăn hơn khi nhường 100 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh khác. Đồng thời, tỉnh tạm xuất 180 tỷ đồng để hỗ trợ ban đầu cho các địa phương bị thiệt hại nặng do cơn bão số 3. Có thể thấy hơn bao giờ hết, tình đoàn kết, sẻ chia của mọi người được nhân lên trong hoàn cảnh khó khăn; thể hiện tình cảm nghĩa tình, hào sảng của người dân Quảng Ninh.
Rồi mọi khó khăn sẽ trôi qua, cuộc sống sẽ dần ổn định. Sản xuất và kinh tế, du lịch sẽ phục hồi. Những chiếc thuyền lại vượt sóng ra khơi. Quảng Ninh sẽ lại trở lại giàu đẹp như ngày nào.