Nơm nớp lo sạt lở
Mới đây, phóng viên TTXVN nhận được đơn phản ánh của gần 30 hộ dân ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) về dự án nạo vét thông luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu (đoạn từ đuôi cồn Cóc lên đến đò Chợ Mới xã Phước Hưng). Trong đơn người dân trình bày: Vào cuối tháng 1/2020, tại khu vực sông Hậu đoạn thuộc ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, xuất hiện 4 xáng cạp của Công ty Hiệp Phát Châu Phú thực hiện khai thác cát với quy mô lớn, dẫn đến sạt lở bờ sông, nhà cửa và khiến Trường Tiểu học A Phú Hữu bị đe dọa, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Đến tháng 6/2020, quá trình sạt lở khu vực này diễn ra trầm trọng hơn nên nhân dân đã dùng xuồng, ghe bơi ra ngăn cản.
Dẫn phóng viên ra bờ sông Hậu - nơi xuất hiện một số điểm bị rạn nứt, sụt lún, có nguy cơ sạt lở ở cuối mảnh vườn của gia đình, anh Võ Minh Trường (sinh năm 1976, trú tại ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, huyện An Phú) cho biết, trước khi dự án triển khai, địa phương có tổ chức họp dân để thông báo về quá trình triển khai dự án nhưng người dân không đồng ý, vì nhà dân san sát nhau, cách bờ sông không xa. Nếu khai thác cát để nạo vét lòng sông rất dễ gây sạt lở, nhưng dự án vẫn được doanh nghiệp triển khai.
“Đoạn sông cách nhà tôi khoảng 100m sau khi thực hiện múc cát để nạo vét thông luồng đã xảy ra sạt lở, nên sau khi các xáng cạp di dời từ ấp Phú Thạnh đến đây (ấp phú Hòa) thì bị người dân phản ứng rất quyết liệt. Do đó, đơn vị thi công mới tạm ngưng. Sau đó, tôi thấy có đoàn công tác của huyện, tỉnh đến khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa biết dự án có ngừng triển khai hay không”, anh Trường lo lắng nói.
Theo anh Trường, 10 năm trở lại đây, đoạn sông Hậu này đã nạo vét 2 lần, lần gần nhất cách đây khoảng 4 năm. Thời điểm đó, múc cát để phục vụ cho 4 khu dân cư và 2 tuyến dân cư ở xã Phú Hữu; tuyến tỉnh lộ 957, với chiều dài khoảng 30km. Hiện đoạn sông này rất sâu, xà lan, tàu thuyền lớn từ 1.000 - 2.000 tấn vẫn lưu thông bình thường.
Bà Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1948, nhà ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu) cũng cho biết, trước đây dọc hai bên bờ sông Hậu có bãi bồi, nhưng qua nhiều lần địa phương cho nạo vét lòng sông để lấy cát khiến bờ sông sâu, dốc thẳng đứng, nếu tiếp tục cho nạo vét lấy cát nữa sẽ gây lở nơi đây.
Anh Đỗ Thanh Tuấn (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng) lo lắng, đoạn sông phía sau nhà anh, hai xáng cạp (phương tiện khai thác cát trên sông lớn) chỉ mới lấy được mấy trăm m3 cát (bán cho mấy xà lan) mà bờ sông đã xuất hiện các vết rạn nứt, có nguy cơ sạt lở. Nếu tiếp tục lấy thêm cát, nhà của anh cũng như hàng chục hộ dân khác trong vùng có nguy cơ bị cuốn xuống sông.
Anh Tuấn cho biết, trước khi đơn vị thi công triển khai nạo vét, thông luồng, người dân không biết thông tin về dự án, khi xáng cạp, xà lan “bủa vây” người dân mới hay. Khi dự án bị người dân phản đối, chính quyền huyện và xã mới tổ chức họp dân và vận động bà con không nên ngăn cản.
Bà Nguyễn Thị Thành (sinh năm 1950) bức xúc nói: “Nếu tiếp tục múc cát trong 3 năm như thông báo của dự án thì nhà cửa, đất đai của người dân hai bên bờ sông sẽ bị sạt lở hết. Ở đây người dân đất đai rất ít, thậm chỉ có hộ chỉ có duy nhất cái nền nhà để ở, nên chúng tôi thiết tha kiến nghị dừng triển khai dự án, trả lại cuộc sống yên bình người dân”.
Doanh nghiệp lấy cát vượt mức cho phép
Dự án nạo vét luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu đoạn từ đuôi cồn Cóc lên bến đò Chợ Mới xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) được thực hiện theo Quyết định 1102/QĐ-UBND ngày 9/5/2019 của UBND tỉnh An Giang. Địa điểm thực hiện là xã Phước Hưng và xã Phú Hữu, huyện An Phú. Nhà đầu tư là liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phát và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phát Châu Phú. Dự án có chiều dài tuyến 4.500m, chiều rộng luồng 2 làn 126m, cao trình đáy nạo vét là -7m. Tổng khối lượng nạo vét hơn 1,7 triệu mét khối, trong đó cát tận thu là hơn 1,1 triệu mét khối. Tổng số tiền phải nộp tính theo giá tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm phê duyệt là 931 triệu đồng (67,5 ngàn đồng/m3). Thời gian thực hiện dự án là 3 năm.
Tháng 10/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang có Quyết định số 1272/QĐ-STNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này. Địa điểm thực hiện vẫn là xã Phước Hưng và xã Phú Hữu. Tuy nhiên đến tháng 3/2020, UBND tỉnh An Giang có Quyết định số 619/QĐ-UBND về việc điều chỉnh hồ sơ đề xuất dự án, bổ sung thêm đơn vị hành chính là xã Quốc Thái.
Tháng 11/2019, dự án bắt đầu triển khai, đến tháng 6/2020 thì tạm ngừng thi công do bị người dân trong vùng dự án phản đối và khu vực thi công xuất hiện một số vết răn nứt, có nguy cơ sạt lở.
Đến ngày 14/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang có báo cáo số 149/BC.STNMT về kết quả kiểm tra dự án nạo vét luồng có thu hồi khoáng sản (cát) đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phát Châu Phú. Theo kết quả kiểm tra, Công ty báo cáo đã thực hiện dự án từ ngày 29/11/2019 đến ngày 26/6/2020, sản lượng thu hồi được tổng cộng 229.665m3 bùn, đất và cát, trong đó có 180.000m3 cát. Qua xem xét bình đồ đo đạc hiện trạng đáy sông, một số đoạn Công ty đã nạo vét vượt độ sâu cho phép (sâu hơn 7m).
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp chưa quan tâm theo dõi địa hình đáy sông, đã nạo vét vượt độ sâu cho phép tại một số điểm trong khu vực, dẫn đến người dân phản ánh. Vì vậy, các ngành chức năng phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời tình trạng này.
Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) cho biết, trong quá trình thi công dự án có xảy ra sạt lở nên UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh cho tạm dừng, cũng như cử các đơn vị chuyên môn xuống đo đạc, khảo sát. Qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp múc quá sâu so với quy định, nạo vét một chỗ quá lâu.
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho rằng, những ý kiến phản ánh của người dân là chính đáng. UBND huyện đang cho các ngành chuyên môn phối hợp với đơn vị thi công khảo sát lại diện tích đất đai, nhà cửa, kiến trúc của người dân, để khi xảy ra sạt lở, đơn vị thi công có trách nhiệm bồi thường cho người dân theo đúng quy định. Còn việc dự án có tiếp tục thi công hay ngưng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh An Giang.