Cùng với Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2013, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An. Đây được coi là cơ hội để xây dựng Nghệ An đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025).
Việc phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cho phép tỉnh Nghệ An được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo cơ chế chủ động, thuận lợi cho tỉnh trong giải quyết thủ tục đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025.
Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại ba xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) với diện tích 618 ha (lớn hơn 500 ha). Hiện nay, các ban ngành tỉnh Nghệ An đang tiến hành các bước để triển khai dự án. Tỉnh phấn đấu đến tháng 5/2022, chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao theo quy định; đến quý 4/2022 tổ chức công bố Quy hoạch chung, quy hoạch 1/2000 phân khu chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ kết hợp xúc tiến đầu tư, trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào phân khu chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Ba xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều là địa bàn vùng khó của huyện Nghi Lộc, đời sống người dân còn thấp. Bởi vậy, dự án này nếu được triển khai sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Từ đó, tỷ lệ lao động được tạo việc làm tăng lên, dịch vụ hỗ trợ như xây nhà trọ cho công nhân, nhà hàng ăn uống, mua sắm dự báo cũng sẽ tăng theo.
"Điều đáng nói, dự án này được thụ hưởng từ chính sách cơ chế đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua, khoảng cách thời gian tiến hành các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất được rút ngắn, chắc chắn thời hạn tiến hành các dự án đầu tư vào địa bàn sẽ được rút ngắn hơn. Cùng với đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân tỉnh và huyện Nghi Lộc) lớn hơn trong việc lựa chọn các dự án để tiến hành chấp thuận đầu tư, bởi địa phương quyết định, địa phương phải lựa chọn dự án có tính khả thi, tránh tình trạng dự án "treo" như bây giờ", bà Trương Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nghi Lộc cho biết.
Ngoài thủ tục, thời gian đầu tư sẽ rút ngắn khi tỉnh được giao thêm quyền tự quyết trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, Nghệ An còn có thêm nguồn lực đầu tư phát triển. Việc bổ sung cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách giúp tỉnh có thêm nguồn lực đáng kể và chủ động thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; trong đó trọng tâm là vốn đầu tư phát triển các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng trong Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp và hệ thống giao thông kết nối trọng điểm của tỉnh.
Năm 2021, Cục Hải quan Nghệ An thu được gần 1.653 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có gần 150 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu, còn lại là thuế giá trị gia tăng và các thuế khác.
Để tăng thu thuế xuất nhập khẩu, ông Hồ Sỹ Thắng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Nghệ An cho rằng: Năm 2022, Cục Hải quan tăng cường phối hợp với các Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh đưa ra các cơ chế, chính sách để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư khu vực bến cảng Cửa Lò để đón các tàu có trọng tải lớn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống để nâng cao hiệu quả xếp dỡ, phục vụ công tác xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Cục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường cao tốc Viêng Chăn – Paksan – Thanh Thủy – Hà Nội tạo điều kiện thông thương phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước Việt Nam - Lào và tạo tiền đề hình thành khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Cùng với đó, Cục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA, Hoàng Mai I và II để thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở rộng nhà máy, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Nghệ An không có nhiều lợi thế về hạ tầng, vị trí địa lý để thu hút đầu tư. Nếu cộng thêm những bất lợi về quy trình cấp phép, ra quyết định càng giảm cơ hội đón nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh. Vì vậy, đi kèm với việc được phân cấp, phân quyền lớn hơn, tỉnh sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Linh hoạt, chủ động và nhanh hơn trong việc đưa ra các thẩm định, quyết định sẽ tạo lợi thế riêng của một địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù.
Ông Trần Anh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An chia sẻ: "Quốc hội đã giao cho HĐND tỉnh tự quyết trong vấn đề điều chỉnh đất đai từ đất rừng, đất lúa để phục vụ thu hút đầu tư… Đây là cơ sở để giải quyết nhanh nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư".
Hơn 8 năm trước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tuy vậy, Nghệ An đến nay vẫn chưa thể đạt được kỳ vọng như đã đặt ra. Thành phố Vinh phát triển vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền Tây… Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An đã tạo động lực quan trọng để tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An - gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết vào cuối năm 2022. Đồng thời, Nghị quyết này cũng thể chế hóa đường lối, quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng theo hướng phân cấp cho các địa phương có sự chủ động trong phát triển kinh tế xã hội.
Để Nghệ An có thể tranh thủ triệt để những cơ chế, chính sách đặc thù, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho rằng, tỉnh cần sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ để cụ thể hóa Nghị quyết 36 thành các quy định để tổ chức triển khai. Cùng với đó, tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36, Nghệ An cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo cơ sở phát triển bền vững cho tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 và định hướng đến năm 2030.
Những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua đặt ra những yêu cầu quyết liệt hơn cho tỉnh Nghệ An trong việc xây dựng mục tiêu từng giai đoạn, những giải pháp cấp bách, lâu dài để có thể tranh thủ tối đa các cơ chế, phát triển bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng và của cả nước.