Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư tại khu vực vịnh Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chủ trì họp với các sở, ngành liên quan để xem xét dự thảo Đề án xây dựng cơ chế đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong do Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đệ trình, qua đó chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện một số nội dung cơ bản để hoàn thành đề án này.   

Chú thích ảnh
Điệp Sơn - một quần đảo gồm 3 đảo nhỏ trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý về định hướng ngành nghề thu hút đầu tư vào khu vực xây dựng được đề cập trong dự thảo đề án, trước mắt, để tạo ra cú “ hích”, động lực phát triển ngay các khu vực trong đề án, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cần nghiên cứu, ưu tiên đưa vào đề án để kêu gọi đầu tư đối với các ngành nghề liên quan đến dịch vu, du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp trong đề án để thu hút ngay các ngành nghề này.

Về lâu dài, đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong nghiên cứu kỹ các ngành nghề đã được định hướng tại Quyết định 380/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ để xác định, bổ sung thêm các ngành nghề có khả năng phát triển trong tương lai và có tính khả thi cao để đưa vào đề án cho phù hợp.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý phương án xác định phạm vi, ranh giới khu vực xây dựng đề án, bao gồm phía Bắc là xã Vạn Thạnh và khu vực phía đông quốc lộ I thuộc các xã: Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Long và Vạn Thắng thuộc huyện Vạn Ninh; khu vực phía Nam tập trung tại khu vực đông bắc thị xã Ninh Hòa thuộc phường Ninh Hải và một phần diện tích xã Ninh Thọ.  

Đối với chính sách ưu đãi đặc thù để đề nghị Trung ương cho phép thực hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cần dựa trên cơ sở tham khảo, chọn lọc các chính sách ưu đãi đã được Trung ương cho phép thực hiện tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) để đưa vào phù hợp với đề án.   

Trước đây, theo quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 51/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, trong đó Cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác.    

Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 17/12/2009, phê duyệt thiết kế điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.

Qua đó xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.    

Cuối năm 2017, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI đã ra Nghị quyết tán thành Đề án của UBND tỉnh về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên khoảng 111 nghìn ha (56 nghìn ha mặt đất và 55 nghìn ha mặt nước) và dân số trên 128 nghìn người của toàn huyện Vạn Ninh.

Việc ra Nghị quyết này là bước thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tại Thông báo số 21-TB/TW ngày 22/3/2017.

Tuy nhiên, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đến nay chưa được xem xét, thông qua. Nên trước mắt, tỉnh Khánh Hòa muốn tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất tại khu vực vịnh Vân Phong thông qua cơ chế, chính sách của địa phương.

 Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết hiện nay, Khu kinh tế đã thu hút được 156 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 719 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn như: nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1...

Tiên Minh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh được thí điểm cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường tái định cư
TP Hồ Chí Minh được thí điểm cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường tái định cư

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN