Xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) là địa phương đặc thù khi có hơn 85% dân số là người dân tộc thiểu số, tiếp giáp Campuchia. Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) cho biết, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Sa Loong thường tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, nâng cao nhận thức của bà con về pháp luật, cùng lực lượng Biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới. Đơn vị phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng đóng chân trên địa bàn và người dân tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới nhằm giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương.
Anh A Đam (làng Giang Lố 2, xã Sa Loong) chia sẻ, từ khi các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, nhận thức của bà con trong làng được nâng lên. Bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng nỗ lực giúp người dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế như trồng cao su, cà phê khiến đời sống của đồng bào ngày càng ấm no.
Huyện Đăk Glei có đường biên giới dài 130km giáp nước bạn Lào. Đây còn là nơi sinh sống của đa phần người đồng bào dân tộc thiểu số Gié-Triêng. Điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là tại các xã biên giới còn nhiều khó khăn. Huyện Đăk Glei huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã biên giới Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) có 700 hộ đang sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%. Đặc thù người dân ở khu vực hai bên biên giới có mối quan hệ họ hàng nên việc người dân qua lại để thăm thân và giao lưu, buôn bán thường xuyên diễn ra. Đây là cơ hội để các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ một bộ phận người dân thiếu ý thức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Nhoong A Tải cho biết, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an xã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, người dân trong xã. Ngoài tổ chức tuyên truyền tập trung tại cuộc họp thôn, làng, xã phân công cán bộ Tư pháp phối hợp lực lượng Công an xã và Đồn Biên phòng đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp, người dân được cán bộ trao đổi, giải thích cặn kẽ nội dung còn khúc mắc để hiểu rõ, đầy đủ hơn quy định của pháp luật, tránh việc làm sai trái.
Chị Y Ngheo (làng Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong) phấn khởi chia sẻ, cán bộ địa phương thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát loa, họp thôn và đến từng nhà giúp chị và người dân trong làng hiểu các nội dung về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Giao thông đường bộ… Từ đó, bà con trong làng nhận thức đầy đủ hơn, không xảy ra các việc làm sai trái và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các cấp chính quyền huyện Đăk Glei luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng và Công an đóng tại địa bàn nắm bắt tình hình, có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp đặc thù từng xã, nhất là ở khu vực biên giới.
Thiếu tá Đào Xuân Hòa (Đồn Biên phòng Đăk Nhoong) cho biết, lực lượng Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không tin theo những lời xúi dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các chiến sỹ khi thực hiện tuyên truyền cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những khuyến cáo, giải đáp kịp thời, giúp đồng bào từng bước nâng cao nhận thức, đảm bảo an ninh trật tự tại thôn, làng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) Huỳnh Ngọc Ly, thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", chính quyền địa phương lựa chọn già làng, người có uy tín hoặc cá nhân, gia đình tiêu biểu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để trở thành "cánh tay nối dài" trong tuyên truyền đến người dân. Người dân có vai trò quan trọng khi phối hợp trực tiếp với lực lượng Biên phòng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Thông qua việc làm này, người dân phát huy vai trò trách nhiệm của mình và là "tai mắt" của chính quyền địa phương trong đảm bảo, giữ vững an ninh, trật tự tại cơ sở.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc được triển khai rộng khắp đến người dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa các tôn giáo được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần trong phát triển kinh tế-xã hội chung của toàn tỉnh.