Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cũng như các yêu cầu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi vẫn diễn ra.
Không ít những trường hợp hàng hóa nông sản xuất khẩu bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Thực tế cho thấy, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm… vốn dĩ có vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm để nhằm thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm này bị hiểu sai, hiểu nhầm về công dụng. Do đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; trong đó có tuyên truyền trên báo chí để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất là rất cần thiết.
Theo đó, để tuyên truyền đúng và hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp cần đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm… Những giải pháp này góp phần đưa các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn cũng như gia tăng giá trị xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) khẳng định, thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm của một quá trình nghiên cứu khoa học lâu dài với chi phí rất tốn kém. Đây cũng là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Trước khi một thuốc bảo vệ thực vật mới được lưu hành, các nhà sản xuất phải vượt qua được hàng loạt những đánh giá rất nghiêm ngặt về hiệu quả tác động, độ an toàn về thực phẩm và sức khoẻ con người, với môi trường. Thế nhưng, ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang bị coi là “tội đồ”, nguyên nhân gây ra mọi hậu quả xấu trong nông nghiệp. Một số người đã thổi phồng quá đáng những hậu quả xấu do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, không thể phủ nhận, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân là do khi nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân từ thăm dò sử dụng, đến ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp bảo vệ thực vật khác. Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật đã bộc lộ như gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên…
“Để nông nghiệp phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là làm thế nào để tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng kỹ thuật để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, vật nuôi và môi trường. Hiểu được điều này, thời gian qua, Hiệp hội và doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đã đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng và nông dân hiểu rõ về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật cũng như đẩy mạnh các hoạt động tập huấn thường xuyên cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Croplife cho rằng, thời gian qua, khâu truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter… nhiều tin giả được lan truyền nhanh và rộng trên các nền tảng này, tạo hệ lụy không nhỏ đến xã hội, người sản xuất.
Đơn cử như thông tin thất thiệt về nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng… Cùng với một vài thông tin chưa chính xác, không đủ chứng cứ khoa học về tác dụng thuốc bảo vệ thực vật gây bệnh ung thư cho người đã gây hoang mang lo sợ cho cộng đồng và gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của người nông dân.
“Giữa “cơn bão” thông tin thật - giả lẫn lộn, vai trò tuyên truyền của các báo đài là vô cùng quan trọng trong việc đưa thông tin có kiểm chứng tới cộng đồng và giúp định hình nhận thức đúng đắn, đầy đủ về thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, vai trò phản biện của báo chí là cảnh báo, phản ánh những bất cập về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để cơ quan nhà nước có thông tin trong quá trình rà soát điều chỉnh chính sách quản lý. Qua đó, định hình lại sự nhiễu loạn thông tin, giúp nông dân và người tiêu dùng có cái nhìn chính xác về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Bảo nhấn mạnh.