Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2011, tỉnh bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên) với diện tích khoảng 900 ha.
Tính đến nay, nhiều diện tích chè Shan tuyết đã được phát triển theo hướng hữu cơ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang, sau khi triển khai thực hiện, giá chè hữu cơ được tăng rõ rệt, thị trường tiêu thụ cũng ổn định hơn.
Là địa phương có diện tích chè đứng trong Top đầu của cả nước với trên 20.000 ha, diện tích chè của Hà Giang cho thu hoạch trên 18.000 ha, sản lượng đạt gần 92.000 tấn.
Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh kéo dài nên sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang có nhiều nét đặc trưng, mang tính đặc thù thơm, ngon, sạch… đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước do có chất lượng tốt, hương vị đặc biệt do được trồng ở độ cao từ 600-1.500 m so với mực nước biển, được thu hoạch và khai thách tự nhiên là chính.
Theo ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, từ năm 2011, Hà Giang bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 900 ha.
Tính đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là trên 11.600ha/65 vùng, chiếm khoảng 61,25% diện tích chè toàn tỉnh.
Thông qua việc cấp chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP đã thực hiện liên kết trên 9.200 hộ trồng chè riêng lẻ để hình thành lên 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP và liên kết với 24 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè để hình thành lên chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ gồm diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của EU, Canada, JAP… là trên 1.500 ha/4 cơ sở; diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam “TCVN 11.041” là trên 5.200 ha/21 cơ sở.
Ông Phạm Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các vùng chè đủ điều kiện để chứng nhận hữu cơ, ở những vùng cao, cây cổ thụ không bị tác động bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đã được chứng nhận gần 7.000 ha, trong quá trình triển khai thực hiện, giá chè hữu cơ được tăng lên tương đối rõ rệt, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và một số hợp tác xã, doanh nghiệp đã tham gia suất khẩu được sang thị trường EU, Đài Loan hay một số nước khác.
Về tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi, từ năm 2018 đến nay, giá chè tương đối ổn định, tại các vùng thấp, giá chè búp tươi dao động từ 6.000-8.000 đồng/kg; các huyện phía Tây và các xã vùng cao giá chè được bán ra ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Trong những năm qua, cây chè được xác định là cây đặc sản chủ lực của tỉnh Hà Giang, do vậy, tỉnh đã có nhiều nội dung để hỗ trợ thúc đẩy ngành chè phát triển như bảo tồn và xác định vùng trồng; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất chất lượng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ kết hợp hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Với lợi thế diện tích chè Shan tuyết cổ thụ trên 100 năm tuổi là hơn 7.000 ha, đây chính là tiềm năng của chè Hà Giang so với các vùng khác, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, tại đây, các cây chè sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, là nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiểm, cho ra những sản phẩm đặc sản.
Chè Hà Giang nổi tiếng với chất lượng sạch, có thể phát triển thành các vùng chè hữu cơ, phục vụ cho chiến lược sản xuất sản phẩm riêng biệt của ngành chè Việt Nam tới thị trường thế giới, nâng cao thương hiệu và giá trị chè Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù có được rất nhiều lợi thế nhưng việc phát triển cây chè theo hướng hữu cơ cũng gặp phải một vài khó khăn như việc sản xuất hữu cơ còn khá mới mẻ với hầu hết người sản xuất, nguyên tắc và yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi nhiều nhân lực và chi phí.
Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án, mô hình của nhà nước, về tổng thể chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, nông sản hữu cơ được đánh giá là an toàn, nhưng lại có chi phí, giá thành sản xuất cao nên sản phẩm hữu cơ thuộc phân khúc sản phẩm cao cấp, kén người dùng, nên thị trường tiêu thụ chưa rộng và phổ biến như đối với sản xuất hàng hóa thông thường…
Để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn hiện hữu, thời gian tới, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ phải phù hợp đối với điều kiện sinh thái từng vùng, từng địa phương, từng loại cây trồng vật nuôi và Nghị quyết 17-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế chính sách; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch…
Nhằm bảo tồn nguồn gen quý của chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2020 Hà Giang đã công nhận được 100 cây chè Shan tuyết đầu dòng tại 5 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình.
Để khai thác và phát triển các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đến nay, toàn tỉnh đã được công nhận 1.629 cây là cây Di sản; trong đó, có 1.324 cây được công nhận năm 2022.
Ngoài ra, Hà Giang cũng là địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.