Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền thân thiện tại Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang xác định, thực hiện tốt dân chủ là yếu tố then chốt trong thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, nhất là trong giải quyết các yêu cầu chính đáng của Nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Chú thích ảnh
Cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang niềm nở hỗ trợ người dân.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác dân vận, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch yêu cầu thực hiện công tác dân vận chính quyền phải bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; triển khai đồng bộ, kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền các cấp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát động Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm việc triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ. 

Chú thích ảnh
Người dân và doanh nghiệp đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.

Tỉnh Tuyên Quang xác định cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", là trọng tâm trong thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước.

Tỉnh luôn duy trì và vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận một cửa tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; tăng cường cải cách về thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Nhờ đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng chuyển biến rõ rệt, các thủ tục hành chính được cập nhật, công khai đầy đủ theo quy định; thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết, công khai, minh bạch thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

Chị Hà Thị Thu Trang, tổ 17, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang cho biết, trước đây, mỗi khi đi làm thủ tục liên quan đến đất đai, tôi thường phải đến nhiều cơ quan khác nhau, rất mất thời gian. Tuy nhiên, khi Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chị chỉ cần đến Trung tâm, nộp hồ sơ một lần và chờ nhận kết quả, cán bộ niềm nở, hướng dẫn tận tình.

Ông Đinh Kim Lâm, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang cho biết, ông đi đổi giấy phép lái xe đã hết hạn và chỉ trong 4 giờ đồng hồ, ông đã được đổi giấy phép lái xe mới.

Còn chị Hà Thúy Bộ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trang Quân, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chưa bao giờ thủ tục thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng như hiện nay. Việc đăng ký thành lập qua mạng điện tử đã giúp doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ mà không cần trực tiếp đến cơ quan Nhà nước vừa giúp giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (Parindex) của tỉnh đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (Sipas) đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11% so với năm 2022).

Đồng thời, những năm gần đây, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu một số cơ quan của tỉnh Tuyên Quang tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của các lực lượng và Nhân dân.

Từ năm 2021 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy đối thoại 11 cuộc với đoàn viên, hội viên (Năm 2021: Đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với Thanh niên. Năm 2023: Bí thư Tỉnh ủy đối thoại 2 cuộc với công nhân, người lao động và với nông dân;  Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại 2 cuộc với thanh niên và nông dân; Năm 2024: Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đối thoại với công nhân, người lao động và đối thoại với cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và đại diện nhân dân; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đối thoại với thanh niên…).

Ban Dân vận Tỉnh uỷ nắm, tổng hợp báo cáo 405 ý kiến của Nhân dân với cấp uỷ và phản ánh với Uỷ ban nhân dân tỉnh. 

Chú thích ảnh
Các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo ban, ngành Trung ương và tỉnh Tuyên Quang tham gia toạ đàm tại Hội thảo khoa học 75 năm Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay (15/10/1949 - 15/10/2024).

Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh thanh niên tỉnh Tuyên Quang, vừa diễn ra đầu tháng 11/2024, chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang khẳng định, Hội nghị là diễn đàn quan trọng và rất ý nghĩa để Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn được chia sẻ trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, vướng mắc trên con đường lập thân, lập nghiệp cũng như đề xuất các giải pháp với Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, những hội nghị đối thoại trực tiếp thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh với thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với việc tổ chức các hội nghị đối thoại, tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ, việc phức tạp, kéo dài; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Công an Huyện Lâm Bình chủ trì Diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát động và tổ chức cho các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện các nội dung, việc làm, mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 11.784 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: Lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội có 1.886 mô hình; lĩnh vực văn hoá - xã hội có 4.890 mô hình; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 1.320 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 1.268 mô hình; lĩnh vực xây dựng nông thôn mới có 1.940 mô hình; các lĩnh vực khác có 480 mô hình và 128 mô hình tiêu biểu; tăng cường đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về thôn, bản tham gia các hoạt động với Nhân dân tại cơ sở, tuyên truyền các chủ trương, chính sách... tạo sự đồng thuận và mối quan hệ mật thiết với Nhân dân.

Theo bà Mai Thị Thanh Thuỷ, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Ban Dân vận Tỉnh uỷ sẽ tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận tại cơ quan Nhà nước, chính quyền trong tình hình mới; thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện cải cách hành chính; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 76-NQ/CP của Chính phủ về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị...

Chú thích ảnh
Nhân dân huyện Lâm Bình tham gia ý kiến tại Diễn đàn Công an Lâm Bình lắng nghe ý kiến Nhân dân gắn với đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2024.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Ban Dân vận cấp ủy, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt cong tác giám sát, phản biện xã hội; vận động Nhân dân tham gia, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó, góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận gắn với triển khai các nhiệm vụ chính trị, các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm “về đích” thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh./.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN