Ông Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho biết, tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh Hải Dương cao thứ 7 cả nước, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, ước đạt 10%; trong đó, công nghiệp tiếp tục là mũi nhọn với tăng trưởng 14,31%, đóng góp 7,04 điểm% vào tăng trưởng chung. Những khu vực nổi bật về tăng trưởng của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 là khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ. Với tốc độ tăng trưởng của từng khu vực của tỉnh như hiện nay, dự báo năm 2024 tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hải Dương sẽ đạt từ 10% trở lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Hải Dương ước đạt 178,3 triệu USD; trong đó, cấp mới 30 dự án với tổng số vốn 134,4 triệu USD; 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 40,9 triệu USD. Các lĩnh vực thu hút vốn cao vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo với 29 dự án đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore… Lũy kế, trên địa bàn tỉnh hiện có 566 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn 10,4 tỷ USD (trong khu công nghiệp có 315 dự án, ngoài khu công nghiệp có 251 dự án).
Cùng thời gian này, tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng. Dự án Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Cộng Hòa, dự án của Biel Crystal Private Limited với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD tại Khu công nghiệp An Phát 1, dự án của CE Link Limited với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD tại Khu công nghiệp An Phát 1.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng một trong những điểm sáng ở tỉnh. Giá trị hàng hóa xuất khẩu 6 tháng năm 2024 đạt 4,756 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 3,925 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao gồm dệt may, ước đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 7,4%; nhóm linh kiện điện tử và máy văn phòng ước đạt 881 triệu USD, tăng 17%; nhóm ô tô, phụ tùng ô tô ước đạt 705 triệu USD, tăng 8,1%. Giá trị hàng hóa xuất khẩu các tháng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nhập khẩu cũng tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cho hoạt động xuất khẩu. Một số nhóm mặt hàng nhập khẩu tăng cao gồm có: nhóm ô tô và phụ tùng ô tô ước đạt 827 triệu USD, tăng 4,7%; nhóm phụ kiện, linh kiện điện tử ước đạt 749 triệu USD, tăng 17,8%; nhóm vải và nguyên phụ liệu may mặc ước đạt 650 triệu USD, tăng 14,4%.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 6 tháng năm 2024 tăng 13,9% so với cùng kỳ; trong đó, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành sản xuất phân phối điện tăng 13,1%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%. Một số ngành có tỷ trọng lớn, tốc độ tăng cao đã tác động đến chỉ số của toàn ngành như: ngành sản xuất và phân phối điện, ngành sản xuất xe có động cơ, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, ngành may mặc, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và ngành sản xuất thiết bị điện. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp còn gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm như: ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói) và ngành khai khoáng.
Hiện nay, Hải Dương đang tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài với cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, đầu từ vào tỉnh, sự thành công của doanh nghiệp trên địa bàn cũng chính là sự thành công của tỉnh.