Năm 2023, Lạng Sơn đặt chỉ tiêu GRDP từ 7 - 7,5%

Lạng Sơn đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7 - 7,5%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 55 - 56 triệu đồng.

Ngày 6/1, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). 

Chú thích ảnh
 Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, năm 2023 là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Do vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành cần xác định rõ mục tiêu cụ thể của ngành, địa phương mình, đặc biệt xác định rõ điểm nghẽn, hạn chế của năm 2022 kịp thời tháo gỡ, khắc phục trong năm nay.

Trọng tâm năm 2023 là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục hoàn thiện các cụm công nghiệp.

Các cấp, ngành tập trung thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các cấp, ngành tập trung chăm lo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đầy đủ, vui tươi, an toàn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, một số đại phương thảo luận về kết quả đạt được cũng như thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, hiệu quả, sáng tạo để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 trên từng địa bàn, ngành, lĩnh vực.

Hội nghị đã quán triệt, thống nhất quan điểm, định hướng và xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm để tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, Lạng Sơn xác định phương châm hành động của năm 2023 là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo, bứt phá”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Hội nghị đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7 - 7,5%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 55 - 56 triệu đồng; lượng khách du lịch đạt 3.760 nghìn lượt; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.200 tỷ đồng; xây dựng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; trồng rừng mới được 9.000 ha; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%…

Năm 2022, tuy phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung, linh hoạt, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện đạt và vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm.

Theo đó, tỉnh đã đạt và vượt 18/18 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra cho năm 2022. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,22% (mục tiêu từ 7-7,5%). Đây là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng đạt mục tiêu của tỉnh đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 (năm 2022 là 2,09%, năm 2021 là 6,67%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp-xây dựng 24,4%, dịch vụ 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng.

Một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực như: Tổng thu ngân sách nhà nước hoàn thành dự toán giao đầu năm (thực hiện 7.909,87 tỷ đồng, đạt 100,76%); đến hết năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có sự phục hồi khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường…

Bài, ảnh: Thái Thuần (TTXVN)
Hà Nội thúc đẩy phát triển du lịch đêm, chuyển đổi số
Hà Nội thúc đẩy phát triển du lịch đêm, chuyển đổi số

Hà Nội tiếp tục thúc đẩy triển khai số hóa các điểm đến trong hệ thống giới thiệu du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo; triển khai vé điện tử... để góp phần chuyển đổi số. Đồng thời, Hà Nội thúc đẩy phát triển du lịch đêm nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN