Phát triển du lịch đêm
Từ góc độ doanh nghiệp kết nối sản phẩm du lịch, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho biết: "Trong thời gian tới, để du lịch Thủ đô có thể phục hồi, nhất là khách quốc tế và phát triển một cách bền vững, chúng ta cần xây dựng và làm mới cho bằng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của khách".
Các sản phẩm tour đêm đang được Hà Nội triển khai và nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách có thể kể đến tour Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trần Nhân Tông…
Còn từ góc độ điểm đến, bà Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Trung tâm đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, trong đó có các sản phẩm du lịch đêm dành cho du khách quốc tế. Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đang góp phần phát triển kinh tế du lịch đêm và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô”.
Từ ngày 30/4/2022 đến nay, Trung tâm đang triển khai tour đêm cho khách trong nước vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, đến năm 2023 sẽ triển khai phiên bản cho khách quốc tế và phấn đấu sẽ phục vụ du khách vào tất cả các đêm trong tuần", bà Nguyễn Hồng Chi chia sẻ.
“Các sản phẩm du lịch đêm đã góp phần giữ chân du khách ở lại Hà Nội lâu hơn và giúp phát triển thế mạnh du lịch đêm của Hà Nội. Trong năm 2023, các sản phẩm du lịch đêm sẽ tiếp tục được Hà Nội triển khai, đẩy mạnh”, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển 5 tuyến du lịch, đó là: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa - Hồ Tây; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai thí điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm.
“Sở Du lịch Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường sông và du lịch MICE, du lịch golf, du lịch bay… Với các sản phẩm mới này, trong năm 2023, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 3 triệu lượt khách quốc tế (gấp đôi năm 2022), trong đó có 2,1 triệu lượt khách lưu trú”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, Dù du lịch Hà Nội khởi sắc sau khi mở cửa nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị các điểm đến, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm; còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách...
Để triển khai có hiệu quả công tác phát triển du lịch Thủ đô năm 2023, đưa du lịch phát triển bền vững, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng ngành du lịch Hà Nội thực hiện là đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. "Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong quản lý du lịch và ngành du lịch Thủ đô; ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Hà Nội", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết: Chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, lãng phí, và nhất là dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống". Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.
Trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam sẽ xây dựng các nền tảng số cốt lõi hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch, trong đó có: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia cần ưu tiên phát triển; Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: hỗ trợ du khách với các dịch vụ đa tiện ích từ tìm kiếm thông tin cho tới đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan quản lý; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh: hỗ trợ du khách thực hiện các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động du lịch - một xu hướng phổ biến và cũng là chủ trương chung của Chính phủ; Hệ thống vé điện tử.
Từ năm 2022, hệ thống vé điện tử đã được thí điểm triển khai áp dụng tại một số di tích tại Hà Nội như Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: Việc áp dụng vé điện tử đã giúp thuận tiện hơn cho du khách. Du khách có thể mua vé trước từ nhà, từ sớm theo lịch trình để không phải xếp hàng. Đối với Trung tâm, việc áp dụng vé điện tự góp phần minh bạch, nắm rõ về cơ cấu khách để có sản phẩm du lịch phù hợp.
Từ thành công bước đầu, năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch triển khai số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch; khuyến khích các đơn vị xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao...