Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại tại Cà Mau

Ngày 3/11, UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thông tin, mưa kéo dài kết hợp với triều cường trong thời gian vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện, trong đó có 1.400 ha lúa hè thu vùng ngọt hóa bị thiệt hại 100%.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường tại thành phố Cà Mau bị "chìm" sâu trong nước khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn, ngày 13/10. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Nguyên nhân do lúa tới thời kỳ thu hoạch nhưng bị ngập úng kéo dài, chín rục ngoài đồng và nảy mầm. Ngoài ra, có trên 8.570 ha bị thiệt hại trên 70%, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% là 5.424 ha. Ngoài diện tích lúa hè thu, còn trên 500 ha màu của dân bị thiệt hại hoàn toàn, cây ăn trái thiệt hại 287 ha. Diện tích nuôi cá đồng hầu như bị thiệt hại hoàn toàn.

Còn tại huyện U Minh có trên 4.500 ha lúa bị ngập, thiệt hại trên 877 ha; 477 ha cây ăn trái và 247 ha rau màu, dây thuốc cá bị thiệt hại do ngập.

Trước tình trạng ngập úng trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho diện tích lúa hè thu, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành nông nghiệp xác định loại hình thiên tai để công bố. Qua đó, có hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào các quy định liên quan để rà soát, xác định loại hình thiên tai tại huyện Trần Văn Thời nói riêng và các huyện, thành phố nói chung. Qua đó, hướng dẫn các huyện, thành phố đảm bảo điều kiện, khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai đúng quy định.

Trên lĩnh vực giao thông, theo Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Cà Mau, thời gian vừa qua, mưa lớn kèm theo triều cường dâng cao đã gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường, gây khó khăn cho người dân khi tham gia lưu thông. Chỉ tính riêng đường sá trong thành phố Cà Mau mức độ thiệt hại lên đến trên 50 tỷ đồng. Để dặm vá đường giao thông, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên tất cả các tuyến đường trong tỉnh cần trên 140 tỷ đồng.

Hiện tại, UBND thành phố Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành vá các vị trí hư hỏng khi nước rút. Tổng kinh phí sửa chữa các tuyến đường gần 30 tỷ đồng. Để hạn chế tai nạn giao thông, lực lượng chức năng thành phố Cà Mau cũng đã tiến hành cắm các biển cảnh báo đường hư hỏng, “ổ gà”, nguy hiểm đối với người tham gia giao thông... Đồng thời, khơi thông các cống rãnh để thoát nước được dễ dàng, đặc biệt là trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Trãi...

Ngoài ra, giao thông trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Huyện này cũng cần hỗ trợ trên 12 tỷ đồng để khắc phục tạm thời về hạ tầng, tạo thuận lợi trong giao thông, nhất là việc đi học của học sinh. Tại huyện U Minh có đến 83 tuyến đường với tổng chiều dài 178km bị ngập sâu.

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông bị ảnh hưởng, nhất là các công trình giao thông bị hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn giao thông do bị ngập nước, nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, hạn chế tai nạn giao thông.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Hàng chục cây xanh bật gốc trong cơn mưa lớn ở TP Hồ Chí Minh
Hàng chục cây xanh bật gốc trong cơn mưa lớn ở TP Hồ Chí Minh

Mưa lớn kèm theo gió mạnh tối 31/10 đã khiến hàng chục cây xanh ở TP Hồ Chí Minh bật gốc đổ ra đường, gây ùn tắc giao thông và làm mất điện một số khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN