Trước đây, khi nhắc đến đồng Chó Ngáp là nhắc đến cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng giờ đây, gần nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, "năn, lác" - những loài cỏ dại đã một thời ngự trị nơi này, đang nhường chỗ cho con tôm - cây lúa, những sản vật đã và đang đem đến cho người dân đời sống ấm no, sung túc.
Mô hình giúp nông dân làm giàu
Chúng tôi đến với đồng Chó Ngáp trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Dọc theo tuyến kênh từ Phó Sinh đến Cạnh Đền, đoạn thuộc ấp Nhà Lầu I, Nhà Lầu II (xã Ninh Thạnh Lợi A), hai bên là những dãy nhà xây tường khang trang. Từ sáng sớm đến chiều tối, trên những tuyến lộ bê tông, xe máy, ô tô lưu thông nhộn nhịp; còn dưới kênh, những chiếc vỏ lãi đang ngược, xuôi vận chuyển tôm, cá. Cánh đồng Chó Ngáp ngày càng tràn đầy sức sống.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng Chó Ngáp là nơi chịu nhiều mưa bom, đạn pháo của kẻ thù. Dù chịu nhiều hy sinh mất mát, người dân nơi đây vẫn kiên trung bám trụ, nuôi chứa cán bộ, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ cứu non sông, đất nước. Sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người dân đồng Chó Ngáp lại tiếp tục bắt tay vào trận tuyến mới, biến những đồng phèn mặn thành những cánh đồng trù phú, với mô hình luân canh tôm - lúa, đã và đang đem đến cho người dân cuộc sống ngày càng sung túc.
Ông Nguyễn Văn Thiệt (ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) năm nay đã ngoài 70 tuổi, cả đời sống gắn bó với với vùng đất này chia sẻ, những năm đầu sau Ngày thống nhất đất nước, đồng Chó Ngáp vẫn là cánh đồng hoang sơ, dân cư thưa thớt. Đất đai nhiễm phèn nặng nên bà con chủ yếu khai khẩn đất hoang để trồng khóm, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Những người trồng lúa cũng có cuộc sống bấp bênh do đất bị nhiễm phèn nặng, được mùa thì ít, mất mùa thì nhiều. Cái nghèo khó cứ đeo bám.
Ông Thiệt cho biết, kể từ khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai thực hiện, việc sản xuất của người dân nơi đây có thuận lợi hơn nhưng cũng không mang lại hiệu quả bền vững. Vùng đất này sau đó được chuyển đổi từ sản xuất độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa. Từ đây, đời sống của gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác từng bước được cải thiện. Với hơn 10 ha sản xuất mô hình tôm - lúa, trung bình mỗi năm ông Thiệt đạt lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Sản xuất hiệu quả, ông Thiệt xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện đầu tư phương tiện sản xuất, mua sắm đầy đủ các vật dụng trong gia đình.
Ở đồng Chó Ngáp, chuyện nông dân đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, xây nhà tiền tỷ như ông Nguyễn Văn Thiệt không còn là chuyện lạ. Ông Danh Cáo, ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân chia sẻ, chưa bao giờ ông tưởng tượng được rằng ông sẽ xây được nhà bằng gạch, làng quê của ông có đường nhựa cho xe ô tô lưu thông thuận lợi, nhưng điều đó giờ đã trở thành hiện thực.
Ông Cáo kể, ngày trước, gia đình ông rất nghèo, dù có đất sản xuất, nhưng không hiệu quả. Ông phải đi giữ trâu mướn. Mỗi cặp trâu ông nhận giữ đến mùa được chủ trả công 1 giạ lúa. Giờ thì ông cùng người dân nơi đây đã biết áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất lúa - tôm. Ông Cáo cho biết, lúa – tôm là mô hình sản xuất dễ làm, không đòi hỏi cao trình độ khoa học. Sau khi thu hoạch lúa xong, người nông dân cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn lại để nuôi tôm, cua, cá… Nước mặn không làm hỏng đất vì mặt đất còn ướt. Người dân có khoảng 6 tháng để nuôi tôm, cua hoặc các loài thủy sản khác để tăng thu nhập.
Khi mùa mưa xuống, người nông dân lại tiến hành rửa mặn, trồng lúa. Thực hiện mô hình này, những năm qua, bình quân mỗi ha ở đồng Chó Ngáp cho năng suất tôm nuôi đạt từ 400 đến 500 kg, còn năng suất lúa đạt từ 6-6,5 tấn/ha. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc thực hiện mô hình lúa - tôm còn giúp cải thiện môi trường. Các nhà khoa học đánh giá, lúa – tôm là mô hình "thuận thiên", mang lại nhiều lợi íchbền vững.
Nâng cao đời sống người dân
Từ một vùng đất nghèo nàn lạc hậu, đồng Chó Ngáp đã có sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội dựa vào đôi bàn tay, khối óc, đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ và người dân nơi đây.
Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, Phan Thanh Sung cho biết, ở đồng Chó Ngáp bây giờ, những hộ dân có thu nhập hàng tỷ đồng/1 năm không hiếm. Nhưng điều làm cho người dân thấy phấn khởi là điều kiện sống, sinh hoạt ngày càng được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 89 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo (0,41%), 50 hộ cận nghèo (2,06%).
Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - Nguyễn Văn Thới cho biết, đến nay, hai xã vùng căn cứ của tỉnh Bạc Liêu trong kháng chiến chống Mỹ là Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A đã được công nhận nông thôn mới (Ninh Thạnh Lợi A được công nhân nông thôn mới kiểu mẫu, còn Ninh Thanh Lợi chuẩn bị là xã nông thôn mới nâng cao).
Sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở xã vùng căn cứ cách mạng này đã được cải thiện. Đường giao thông liên ấp, liên xã, đi huyện đã được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, đấu nối vào các trục giao thông chính, thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân đồng Chó Ngáp, huyện Hồng Dân tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan tới mô hình; triển khai tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo khoa học cho người sản xuất....
Đặc biệt, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch” thông qua thành lập các hợp tác xã nuôi tôm sạch, sản xuất lúa an toàn theo quy trình hữu cơ. Mục tiêu là xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của người dân.