Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An tham mưu xây dựng kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2024 với tổng diện tích trên 973ha. Một số huyện có diện tích giải phóng mặt bằng khá lớn như: Bến Lức 270ha; Cần Giuộc 200ha; Đức Hoà 250ha; và Thủ Thừa gần 90ha.
Trong đó, trọng tâm, trọng điểm được chú trọng tập trung thực bồi thường giải phóng mặt bằng gồm: Các dự án đầu tư công (đường Vành đai 3, ĐT. 823D, ĐT. 830E, ĐT. 822B); chuẩn bị thủ tục bồi thường dự án đường vành đai 4, ĐT. 827E; tập trung chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới cắm mốc. Cùng với đó là thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho những dự án ngoài ngân sách như các khu công nghiệp Nam Tân Tập, Thủ Thừa, Thế Kỷ, Lộc Giang và cụm công nghiệp Phước Vĩnh Đông 1, 2, 3, 4, cụm công nghiệp Tân Tập…; tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với dự án tồn đọng kéo dài như dự án khu công nghiệp Hựu Thạnh, khu công nghiệp Long Hậu 3; khu dân cư Trung tâm thị trấn Bến Lức, khu dân cư Gò Đen 2...
Đồng thời, các đơn vị tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch (dự án Giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị; dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đường tỉnh 826D), phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 dự án trên.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An sẽ tập trung chấn chỉnh lại công tác định giá đất theo hướng có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; định giá đất đảm bảo theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai. Việc thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển kinh tế xã hội và tiếp nhận đầu tư của tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, năm 2023, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đạt kết quả khá tốt, vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, các địa phương đã chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng được hơn 1.030ha (đạt 111,14% so với kế hoạch). Một số dự án trọng điểm có kết quả giải phóng mặt bằng đạt khá tốt như: Dự án Thành phần 8 của dự án Đường vành đai 3 Hồ Chí Minh đã giải phóng mặt bằng 46,33ha/47,23ha tổng diện tích thu hồi; dự án Đường tỉnh 830E giải phóng mặt bằng 34ha/39,949ha tổng diện tích thu hồi; dự án Khu công nghiệp Tandoland có tổng diện tích thu hồi hơn 217ha, đã giải phóng mặt bằng được diện tích 158ha; dự án đường Đt. 823D có tổng diện tích thu hồi 105,79ha, đã giải phóng mặt bằng diện tích 90,64ha…
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặ bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Long An vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số dự án khó khăn về nguồn vốn như: Dự án tạo quỹ đất sạch đường 826D, dự án tạo quỹ đất sạch ĐT.830E…; chưa có khu định cư để bố trí tái định cư cho người dân nên chưa triển khai được dự án chính như dự án khu công nghiệp Lộc Giang, cụm công nghiệp Tân Tập. Bên cạnh đó, còn một số dự án đã kê biên trước đây nhưng chủ đầu tư đề nghị phúc tra lại tài sản trên đất nên ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng như khu công nghiệp Thủ Thừa, khu công nghiệp Thế Kỷ.