Sự đồng thuận của người dân là yếu tố then chốt trong giải phóng mặt bằng

Việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án luôn gặp khó khăn, vướng mắc khi lợi ích và quy định khiến người dân và chính quyền chưa thể đồng hành. Tuy nhiên, ở Hải Dương, thành phố Chí Linh và huyện Kim Thành lại chọn đây là nhiệm vụ đột phá. Lãnh đạo các địa phương này luôn tuyên truyền kỹ, đảm bảo quyền lợi chính đáng tối đa cho người dân trên cơ sở bám sát các quy định của Nhà nước là chìa khóa tạo nên sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư lớn.

Đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng cho người dân

Chú thích ảnh
Dự án đường Trung tâm y tế đi thôn Quỳnh Khê 1, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành được triển khai sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Những ngày đầu năm 2024, về huyện Kim Thành có thể thấy, giao thông địa phương khoác lên mình diện mạo mới. Cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi vì đường sá khang trang, thông thoáng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong năm qua, huyện Kim Thành triển khai nhiều công trình được xây dựng bằng vốn đầu tư công. Các công trình trọng điểm đều được đẩy nhanh tiến độ, một phần lớn nhờ vào thành công trong giải phóng mặt bằng.
 
Trong năm qua, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện đã giải phóng mặt bằng 100% các công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể, bàn giao 10.975 m2 đất cho dự án cải tạo điều chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực nút giao Km15+385 Quốc lộ 17B với đường 20/9; dự án đường Trung tâm y tế đi thôn Quỳnh Khê 1, xã Kim Xuyên với tổng diện tích thực hiện dự án 31.287 m2; dự án đường trục Đông Tây đoạn nút giao lập thể với Quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên đến bùng binh xã Ngũ Phúc với diện tíc đất thu hồi 131.399 m2. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện còn thực hiện tốt giải phóng mặt bằng các công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư để bàn giao thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Theo Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng, giải phóng mặt bằng luôn luôn là vấn đề khó nhất, phức tạp của các địa phương. Năm 2023 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng theo hướng bền vững; trong đó, coi giải phóng mặt bằng là khâu then chốt cần đi trước một bước. Cách làm của Kim Thành là bám sát các quy định của pháp luật ngay từ đầu, các khâu, các bước trong quy trình giải phóng mặt bằng triển khai bài bản, nhất là khâu kiểm đếm khi thu hồi đất. Chính quyền làm bài bản, đảm bảo hết các quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Nếu người dân vẫn không đồng thuận cơ quan chức năng sẽ triển khai đúng trình tự, thủ tục để tiến hành cưỡng chế. Điểm khác biệt trong giải phóng mặt bằng của Kim Thành năm 2023 là sau khi hoàn thành giải phóng  mặt bằng các dự án, không phải xử lý đơn thư, tiếp công dân có liên quan. Thành công này tiền đề cho huyện tự tin trước khối lượng công việc đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn của năm 2024.
 
Còn tại thành phố Chí Linh, năm 2023, thành phố triển khai 17 dự án; trong đó, có 9 dự án của tỉnh và một số dự án của thành phố, của xã, phường. Tương tự Kim Thành, quá trình giải phóng mặt bằng các dự án này đến nay đều không phát sinh đơn thư khiếu nại. Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cũng nhấn mạnh, phương châm của thành phố là đảm bảo các khâu, các bước trong quá trình giải phóng mặt bằng phải làm công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, bảo vệ các quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp khó khăn, địa phương sẽ báo cáo với tỉnh để có cơ chế tháo gỡ.

“Dân vận đi trước một bước”

Chú thích ảnh
Thi công đường dẫn cầu Đồng Việt, thành phố Chí Linh sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Thực tế ở Chí Linh và Kim Thành trong năm 2023 cho thấy, việc gần dân, sát dân để tháo gỡ khó khăn cho dân là chìa khóa thành công trong giải phóng mặt bằng.
 
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Chí Linh, quan điểm khi triển khai giải phóng mặt bằng các dự án là làm đúng trình tự, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho dân. Trước tiên, phổ biến quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và công khai cho người dân. Sau khi có thông báo thu hồi đất, thành phố thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án là cơ quan thường trực. Các ý kiến của người dân tại cuộc họp triển khai về thông báo thu hồi đất được lắng nghe, tập hợp, phân nhóm và báo cáo với UBND thành phố để có phương án cụ thể. Hội đồng Giải phóng mặt bằng tiến hành gửi giấy mời các hộ dân họp và hẹn xuống tận từng nhà hộ dân sau đó chia tổ xuống kiểm kê đất trên hiện trạng thực tế, thống nhất với người dân về ranh giới, tài sản, kiểm đếm, ký biên bản và hướng dẫn người dân làm tờ khai về hiện trạng. Sau khâu kiểm kê, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố sẽ tập hợp, bóc tách từng trường hợp và chuyển hồ sơ xuống xã phường để xét duyệt nguồn gốc đất. Trường hợp nào khó khăn, vướng mắc sẽ mời sở, ngành về xác minh, tìm cơ chế hỗ trợ.
 
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Chí Linh chia sẻ: “Phải đứng ở góc độ người dân để có hướng vận dụng bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Điều quan trọng nhất là để nhân dân tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, vào quy trình thu hồi đất và tin vào những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai, nếu nhận thấy cán bộ nào không phù hợp, xem xét điều chuyển việc khác. Làm đến đâu, chắc đến đó”.
 
Dự án đường dẫn cầu Đồng Việt, đợt 1 thu hồi trên 238.700 m2 của 336 hộ và đợt 2 thu hồi trên 13.800 m2 của 33 hộ; trong đó, riêng xã Lê Lợi có 23 thửa đất của 21 hộ. Giai đoạn 2 Dự án đường vào Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ ngã ba An Lĩnh vào Đầu Rồng, diện tích thu hồi hơn 90 thửa của hơn 80 hộ dân thuộc xã Lê Lợi.
 
Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Trần Quốc Khánh cho biết, đối với các dự án, cơ bản nhân dân đều hưởng ứng vì có đường to, đẹp, giao thông thuận lợi. Để tạo được sự đồng thuận của các hộ dân có đất bị thu hồi, xã thành lập Ban vận động, nòng cốt là Ban Dân vận của xã. Tuy nhiên, trước khi Ban vận động của xã vào cuộc thì các đoàn thể tuyên truyền trước, lắng nghe ý kiến, giải thích cho người dân. Có những trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất, người dân đã nhận tiền nhưng vẫn băn khoăn về mức giá bồi thường thu hồi đất, chính quyền địa phương phân công các đoàn thể thuyết phục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Có những hộ dân sau nhiều lần giải thích, cuối cùng các hộ đã đồng thuận, chính quyền không phải tiến hành biện pháp cưỡng chế.

Chú thích ảnh
Thi công đường dẫn cầu Đồng Việt, thành phố Chí Linh sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Theo lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh, hiện tại, cơ bản các dự án lớn của Chí Linh đang triển khai ở trên địa bàn các xã Cộng Hòa, Lê Lợi và Hưng Đạo đều giải phóng mặt bằng vượt tiến độ, tiêu biểu là dự án đường dẫn cầu Đồng Việt. Làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận đi trước một bước là kinh nghiệm của Thành phố Chí Linh. Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, quá trình tuyên truyền, cán bộ phải sát dân, gần dân để tìm hiểu đời sống, tâm tư của người dân từ đó chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các hộ trong diện đền bù giải phóng mặt bằng. Không chỉ tập trung vào duy nhất nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để biết người dân đang gặp khó khăn gì ở lĩnh vực nào, từ đó tháo gỡ khắc phục cho người dân. Làm tốt điều này cũng sẽ góp phần tạo nên tiếng nói đồng thuận trong nhân dân khi giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án.
 
Đối với Kim Thành, khâu tuyên truyền vận động được địa phương tập trung cao độ trong suốt quá trình giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng cũng cho biết, từ các hội, đoàn thể đến những người có uy tín trong cộng đồng, hệ thống đài phát thanh của xã đều tích cực thông tin, tuyên truyền giải thích về dự án, trình tự triển khai thu hồi đất để người hiểu và nắm rõ các quy định. “Khi người dân thấy quyền và lợi ích được đảm bảo ở mức tối đa thì người dân sẽ đồng thuận”, ông Hưng khẳng định.
 
Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023, tỉnh Hải Dương có 211 dự án, công trình thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; trong đó, 134 dự án đã hoàn thành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và 77 dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng.
 
Giải phóng mặt bằng luôn được xem là khâu then chốt quyết định thành công trong triển khai dự án đầu tư. Những kết quả tích cực về giải phóng mặt bằng ở Kim Thành và Chí Linh có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Hải Dương trong bối cảnh tỉnh đang quyết tâm đẩy mạnh tiến độ các dự án quy mô lớn. Giải phóng mặt bằng sớm, dự án vượt tiến độ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Hải Dương nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển trong những năm tiếp theo.

Mạnh Minh (TTXVN)
Hải Dương: 5/12 huyện, thị xã, thành phố tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết
Hải Dương: 5/12 huyện, thị xã, thành phố tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết

UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN