Nội dung được công bố tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức, do UBND thành phố Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 3/2.
Trong năm 2023, HĐND Tp. Hồ Chí Minh đã thông qua hai nghị quyết đầu tư xây dựng hai đoạn Vành đai 2, quy mô mặt cắt ngang 67m. Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài khoảng 3,5 km, tổng mức đầu tư 9.328 tỷ. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8 km, tổng vốn đầu tư 4.543 tỷ đồng. Hai dự án có diện tích thu hồi đất 61,51 ha tại 6 phường của thành phố Thủ Đức: Tăng Nhơn Phú B, Phước Long A, Phước Long B, Bình Thọ, Trường Thọ và Linh Đông; khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng.
Đây là các dự án có tầm quan trọng nhằm tạo đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa và giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối đô thị, các đầu mối giao thông lớn như cảng Cát Lái – Phú Hữu, cảng hàng không…
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, nhiều năm qua, Tp. Hồ Chí Minh phải cân đối nguồn lực eo hẹp bố trí cho các công trình, đến nay mới đủ điều kiện bố trí vốn cho Vành đai 2. Bên cạnh Vành đai 3 đang được triển khai, việc hoàn thành Vành đai 2 có ý nghĩa quan trọng để mở rộng không gian phát triển, kết nối đô thị, vận chuyển hàng hóa... góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội cho thành phố Thủ Đức và cả Tp. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khép kín hệ thống vành đai là nhiệm vụ ưu tiên của thành phố. Do đó, UBND thành phố Thủ Đức cần chủ động, đặc biệt hướng dẫn các cơ chế, chính sách đối với những địa bàn có nhiều đất ở thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Hiện UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức khởi công 2 dự án trong tháng 12/2024. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Thủ Đức dự kiến phấn đấu hoàn tất các công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đến ngày 30/11/2024 sẽ bàn giao 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh để khởi công thực hiện dự án vào tháng 12/2024.
Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng, Vành đai 2 không chỉ kết nối vùng mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Đức. Địa phương đã lên kế hoạch chi tiết để thực hiện, với quyết tâm cao và sẽ hoàn thành đúng hạn các mốc giải phóng mặt bằng. Thành phố Thủ Đức sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ kiểm đếm, đo đạc, thực hiện dự án xuyên Tết.
Theo ông Hoàng Tùng, rút kinh nghiệm Vành đai 3, Vành đai 2 sẽ được địa phương ứng dụng chuyển đổi số hoàn toàn ngay từ đầu trong quá trình đo đạc, kiểm đếm để nâng cao hiệu quả. Thành phố Thủ Đức cũng phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chi Minh cử sinh viên khoa quản lý đất đai tăng cường hỗ trợ cho các phường; rà soát, điều động cán bộ địa chính tại các phường khác để tăng cường cho các phường thực hiện dự án Vành đai 2.
UBND thành phố Thủ Đức cũng đề xuất UBND Tp. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Thành phố chấp thuận chia làm 2 nhóm để thực hiện công tác thu hồi đất. Cụ thể, nhóm 1 sẽ thu hồi các trường hợp đất nông nghiệp và đất ở đồng thuận, nhóm 2 sẽ thu hồi các trường hợp đất ở không đồng thuận.
Đường Vành đai 2 Tp. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 64 km. Thành phố đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác các đoạn tuyến có chiều dài 50 km; còn lại 14 km thuộc 4 đoạn khác nhau chưa được khép kín.
Ngoài hai đoạn được triển khai giải phóng mặt bằng lần này, Vành đai 2 còn đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km đang được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Trong khi đó, đoạn tuyến từ Quốc lộ 1 (nút giao An Lập) đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km chưa được đầu tư.