Để kịp thời khắc phục những tồn tại, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7910 về việc chấn chỉnh triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, linh hoạt sử dụng dữ liệu được xử lý từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cung cấp (danh sách dân cư chi tiết, các phiếu giấy mời, tờ khai y tế, phiếu khám sàng lọc); đồng thời, phối hợp sử dụng dữ liệu sẵn có của huyện (dữ liệu bầu cử, dữ liệu đối tượng tạm trú...) để tổ chức in bộ phiếu mời, tờ cam kết, hướng dẫn sau tiêm... phát cho người dân, đảm bảo kịp thời, đầy đủ.
Các đơn vị liên quan phải đảm bảo các đội tiêm và tình nguyện viên nhập liệu vận hành đúng quy trình 4 bước tiêm trên phần mềm trong các buổi tiêm; cán bộ tiếp đón, khám sàng lọc điền thông tin chính xác, đầy đủ để cán bộ nhập liệu dễ dàng tìm kiếm, đối chiếu, nhập dữ liệu chính xác vào phần mềm; đồng thời đảm bảo trang bị máy tính, laptop cấu hình mạnh, đường truyền internet tốc độ cao, phủ sóng Wifi để tình nguyện viên nhập liệu, cài đặt các ứng dụng. Ngoài ra, các ngành chức năng huy động, tập huấn, phân công các tình nguyện viên nhập liệu đầy đủ, kịp thời trong ngày; đảm bảo hỗ trợ cài đặt ứng dụng Số sức khỏe điện tử, Bluezone cho người dân.
Tỉnh Long An đang triển khai tiêm vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, không phân biệt có hay không có hộ khẩu tại Long An. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay nhằm thực hiện chiến lược đạt miễn dịch cộng đồng. Việc triển khai tiêm vaccine chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 gồm 5 địa phương trọng điểm là Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và thành phố Tân An, với khoảng 852.128 người; giai đoạn 2 gồm 10 địa phương còn lại là Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, với khoảng 509.605 người.