Lạng Sơn cải thiện các điểm số thấp để tăng chỉ số PCI

Ngày 27/5, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Lạng Sơn năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số PCI năm 2022 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn năm 2021 là khá khách quan, chính xác. Việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong năm 2021 dù có chuyển biến tích cực, nhưng cũng cho thấy những tồn tại bất cập thể hiện sự vào cuộc chưa mạnh mẽ của một số cấp, ngành trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cùng đó, tập trung cải thiện điểm số đối với các chỉ số đạt điểm số thấp như: chỉ số gia nhập thị trường; tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu cải thiện chỉ số PCI; trong đó, chú trọng thực hiện theo hướng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ trách nhiệm tác phong thực hiện công vụ, giao tiếp với doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ, lắng nghe, thấu hiểu, thân thiện, nhiệt tình”.

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn đạt 63,92 điểm, tăng 1,49 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2020 xếp hạng 36/63 trong cả nước, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành trung bình. Đây là năm tỉnh Lạng Sơn có điểm số cao nhất, thứ hạng cao thứ hai kể từ trước tới nay (năm 2012 đạt 56,29 điểm, xếp vị trí thứ 34/63 tỉnh, thành phố).

Trong 10 chỉ số thành phần của Báo cáo PCI Lạng Sơn có 6/10 chỉ số tăng điểm gồm: tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí thời gian, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Có 4/10 chỉ số giảm điểm là tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chi phí gia nhập thị trường, đào tạo lao động.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Vũ Hoàng Quý, tính năng động của chính quyền tỉnh là Chỉ số cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2021, xếp thứ 6/63 cả nước (tăng 1,88 điểm, tăng 47 bậc so với năm 2020).

Do đó, trong năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Lạng Sơn đã được cải thiện, các thủ tục hành chính được cắt giảm, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, chuyển từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ” nhân dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả PCI năm 2021 mặc dù tăng 1,49 điểm, tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu năm 2021 nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn chưa tạo ra bước cải thiện mạnh mẽ, quyết liệt.

Trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI, có đến 4 chỉ số thành phần giảm điểm trong năm qua; trong đó có 2 chỉ số thành phần có trọng số cao 20% là chỉ số tính minh bạch và đào tạo lao động; 6 chỉ số thành phần còn lại, có 2 chỉ số thành phần chỉ tăng điểm nhẹ, thứ hạng của những chỉ số này vẫn nằm dưới mức trung vị của cả nước (chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp cận đất đai).

Qua đó chứng tỏ rằng các sở, ngành và địa phương vẫn chưa thực sự chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến, giải pháp nhằm tạo chuyển biến đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn mà vẫn triển khai trên cơ sở tư duy, lối mòn cũ do vậy hiệu quả không cao.

Cùng đó, một số các sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”; chưa chủ động, đổi mới phương pháp trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu, giải quyết dứt điểm, vẫn còn tình trạng nhà đầu tư kiến nghị nhưng việc trả lời, giải đáp còn chậm trễ.

Đặc biệt, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian xử lý kéo dài, nhiều thủ tục chưa công khai rõ ràng, cán bộ xử lý trực tiếp hồ sơ của doanh nghiệp còn cứng nhắc, chưa thực sự hỗ trợ và giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Sự chồng chéo giữa các quy hoạch dẫn đến công tác thu hút đầu tư bị hạn chế và gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Việc giải phóng mặt bằng quỹ đất sạch còn gặp khó khăn; vi phạm đất đai còn diễn biến phức tạp, công tác xử lý các vi phạm tại một số địa phương 14 còn chưa đạt yêu cầu; thủ tục chuyển đổi, cấp mới về đất đai cho doanh nghiệp còn chậm. Chất lượng giáo dục dạy nghề của tỉnh chưa bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chất lượng lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Thái Thuần (TTXVN)
Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Động lực để thoát Top cuối PCI
Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Động lực để thoát Top cuối PCI

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tạo nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và làm giảm đà tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN