Đảm bảo an toàn cho người dân hạ du
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 137 dự án thủy điện đã được đưa vào quy hoạch với công suất gần 4.000 MW. Có 95 dự án đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư với công suất hơn 3.460 MW; trong đó, có 21 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh với công suất lắp máy trên 2.270 MW. Điện lượng trung bình năm gần 90.400 triệu kWh và 28 dự án đã thi công có khối lượng xây dựng với công suất lắp máy 587 MW.
Ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết: Sở Công Thương đã ban hành văn bản đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ, đập; trong quá trình vận hành hồ chứa phải tuân thủ nghiêm ngặt, đúng quy trình đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Hàng năm, Sở thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước và khắc phục kịp thời những hư hỏng. Đối với những thủy điện vận hành chưa phù hợp, Sở đề nghị cấp trên phê duyệt, điều chỉnh các nội dung vận hành cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài ra, Sở triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập vùng hạ du và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt ở những vị trí trọng điểm, xung yếu hoặc sự cố do các đợt mưa lũ trước gây ra nhưng chưa được khắc phục. Sở tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất các công trình thủy điện; qua đó, kịp thời khắc phục thiếu sót trong quá trình vận hành, không để xảy ra sự cố nguy hiểm ảnh hưởng đến công trình và người dân.
Nhờ vậy, đến nay, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều vận hành an toàn, không xảy ra sự cố về lũ ống, lũ lụt, sạt lở đất do thủy điện gây ra. Đơn cử như Công ty Cổ phần quản lý vận hành Thủy điện Tây Bắc thuộc Tập đoàn Hưng Hải hiện quản lý 4 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu gồm: Nhà máy Thủy điện Nậm Na 1, 2, 3 và Nhà máy Thủy điện Nậm Ban 1 với tổng công suất 190 MW. Ông Lưu Minh Hoàn - Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý vận hành Thủy điện Tây Bắc cho hay: Công ty đã quán triệt các nhà máy thủy điện nâng cao tinh thần tự giác, chủ động tập huấn, triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện. Các nhà máy cũng lắp các biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm và loa cảnh báo ở khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về các tiêu lệnh khi xả lũ, không vớt củi vào thời điểm mưa lũ, nước dâng.
“Trong quá trình vận hành, xả lũ, Công ty yêu cầu các nhà máy thủy điện phải có văn bản gửi chính quyền địa phương, thông báo trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho người dân biết để chủ động các biện pháp an toàn. Vì vậy, thời gian qua dù xả lũ hay vận hành bình thường, các nhà máy thủy điện thuộc Công ty quản lý chưa để xảy ra sự cố về hồ, đập, vùng hạ du luôn được đảm bảo an toàn”, ông Hoàn cho biết thêm.
Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 có ba tổ máy đang hoạt động với công suất lắp máy 66 MW và công nghệ vận hành đều được tự động hóa. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, hàng năm Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ thiết bị, công trình và sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cửa van xả nước. Bên cạnh đó, Nhà máy xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt các phương án phòng chống lũ vùng hạ du; theo dõi hệ thống quan trắc lưu lượng nước về hồ, qua cửa xả, qua tuốc bin và ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi với chu kỳ 30 phút 1 lần. Trước khi xả lũ, thông báo bằng văn bản, loa, còi hú cho nhân dân vùng hạ du trước 2 giờ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại
Cùng với việc đảm bảo các quy trình, vận hành hồ chứa theo đúng quy định, các nhà máy, dự án thủy điện lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn quan tâm đầu tư ứng dụng các thiết bị quan trắc khoa học công nghệ hiện đại nhằm sớm cảnh báo những sự cố xảy ra, kịp thời thông báo cho người dân vùng hạ du, đảm bảo an toàn, tính mạng cho nhân dân.
Ghi nhận tại Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2, hàng ngày, kỹ sư phụ trách hệ thống quan trắc của Nhà máy thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị quan trắc, đảm bảo hệ thống quan trắc hoạt động bình thường và chính xác. Toàn bộ hệ thống quan trắc tại Nhà máy là những thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các nước châu Âu, được kết nối, thu thập dữ liệu và đưa về hệ thống, lưu trữ tự động. Nhà máy gồm có các loại quan trắc như: Quan trắc thấm, đo nhiệt độ lõi đập được đặt trong thân đập, ngoài công trình; quan trắc đo lượng mưa được đặt trên mặt đập và quan trắc đo mực nước được đặt ở hồ chứa và dưới hạ lưu.
Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 Hoàng Trọng Điệp cho biết: Trước khi đưa vào vận hành, Nhà máy đã quan tâm đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo trị giá gần 5 tỷ đồng. Hệ thống quan trắc này có độ chính xác cao, các thông số kỹ thuật được kết nối, thu thập và gửi về phòng dữ liệu quan trắc để đồng bộ số liệu. Các thông số này được kiểm tra liên tục, hàng ngày, hàng giờ về hiện trạng, tình trạng hoạt động của đập cũng như cảnh báo trước mực nước, lượng mưa. Từ đó, giúp kỹ sư vận hành đưa ra những cảnh báo và tham mưu cho Ban Giám đốc về các biện pháp để vận hành công trình, hồ chứa an toàn.
Ngoài những nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, các dự án thủy điện đang hoàn thành cũng chú trọng đầu tư xây dựng các thiết bị hiện đại. Dự án Thủy điện Nậm Đích 1, thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Khun Há được khởi công xây dựng từ năm 2018 dự kiến đến hết năm 2020 hoàn thành và đưa vào phát điện. Ông Phan Quang Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Khun Há cho biết: Khi dự án khởi công xây dựng, Công ty đã thực hiện theo đúng quy trình, thiết kế của Bộ Xây dựng. Hiện công ty đã lắp hệ thống quan trắc tự động (nhập khẩu từ Mỹ) đặt ở trong thân đập; hệ thống quan trắc này dùng để đánh giá các thông số đảm bảo an toàn cho công trình như dịch chuyển vị trí, độ thấm, nhiệt độ… Được thiết kế với hệ thống đập tự tràn, khi nhà máy đi vào hoạt động đảm bảo không xảy ra lũ ở vùng hạ du.
Ngoài việc đầu tư thiết bị hiện đại, các nhà máy thủy điện còn lựa chọn những lao động có trình độ, tay nghề cao; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, kiểm tra đánh giá trình độ hàng năm; mời các đơn vị chuyên môn đến bồi dưỡng về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và tổ chức diễn tập các tình huống xử lý sự cố trên thiết bị; tổ chức bảo dưỡng định kỳ toàn bộ thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất điện trong mùa khô hàng năm, đảm bảo cho thiết bị vận hành an toàn, liên tục, kinh tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều dự án nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang xây dựng, trong quá trình thi công luôn đảm bảo, tuân thủ các quy cách thiết kế, chất lượng các hạng mục đúng với yêu cầu đề ra. Tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng cùng các địa phương chủ động theo sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, thực hiện nhiều phương án… để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện trên địa bàn.