Lai Châu: Đẩy mạnh Chuyển đổi số trong đời sống xã hội

Tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để công tác chuyển đổi số phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành 5 kế hoạch, qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Cùng với đó, đã ban hành các văn bản triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chú thích ảnh
Lai Châu tập trung đầu tư cơ sở vật chất giúp học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoàn Kết, xã biên giới Ma Ly Pho tiếp cận với công nghệ thông tin từ cấp tiểu học.  Ảnh: Quý Trung/ TTXVN

Đến nay, khoảng 63,6% người dân toàn tỉnh đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; 99.19% học sinh, và  94.67% giáo viên đã triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo.

Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến một phần đạt 76,3%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình đạt 87%. Dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 857 dịch vụ … 

Đến thời điểm này, Tỉnh đã hoàn thiện và vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với 10 kết nối đã hoàn thành, 8 kết nối đang cập nhật. Các nền tảng khác như: Nền tảng khám chữa bệnh, nền tảng giao dịch thương mại điện tử, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt… được tỉnh triển khai đưa vào sử dụng.

Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối tới 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện/thành phố; UBND xã/phường/thị trấn; tốc độ trung bình 20Mbs. Toàn tỉnh có 22 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và địa phương. Các cơ sở dữ liệu đang được duy trì và kết nối với các Hệ thống thông tin của bộ, ngành và của tỉnh để phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Tỉnh đã hoàn thành mô hình đảm bảo an toàn thông tin “4 lớp” theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Có 87,4% máy tính được cài đặt phần mềm tại các cơ quan Nhà nước.  

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Các cơ quan thông tin đại chúng và cùng các Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và Hệ thống thông tin cơ sở đã mở chuyên mục riêng về chuyển đổi số. Đã có hơn 1.000 tin bài được truyền thông, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân trong việc thực hiện chuyển đổi số, an toàn thông tin trên địa bàn. Công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật được thường xuyên tổ chức. Đã có 540 học viên trên địa bàn tỉnh đã tham gia khóa bồi dưỡng được tổ chức trên nền tảng MOOCs; 70 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn kỹ năng số…

Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tập trung các giải pháp nhằm đưa công tác chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả thiết thực. Trong đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, có lộ trình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; có giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng. Các nhà mạng đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tạm dừng phát sóng 2G….

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của người dân về chuyển đổi số.                                            

PV
Bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch ở vùng cao Lai Châu
Bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch ở vùng cao Lai Châu

Huyện vùng cao Than Uyên (tỉnh Lai Châu) là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc với sự đa dạng về sắc màu văn hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN