Tham dự buổi lễ có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Pra nây Ve ma - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và các đại biểu dự lễ trực tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn sự giúp đỡ đầy trách nhiệm của Chính phủ, Quân đội nước Cộng hòa Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa trong việc xây dựng hoàn thành Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ; đồng thời, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Binh chủng Thông tin liên lạc và Trường Đại học Thông tin liên lạc trong quá trình quản lý và điều hành Trung tâm công nghệ và ngoại ngữ ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Để Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ đi vào hoạt động hiệu quả, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị các cơ quan Bộ Quốc phòng tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ Trường Đại học Thông tin liên lạc triển khai các hoạt động của Trung tâm theo đúng định hướng. Riêng đối với Nhà trường, cần ổn định tổ chức, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành và điều hành trung tâm; kết hợp với đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng trong và ngoài nước, đồng thời chủ động, sáng tạo, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp của Ấn Độ và các đối tác trong và ngoài nước để đẩy nhanh phần mềm, gia công sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh và dân sinh.
Ông Ajai Kumar, Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ tham dự buổi lễ qua sóng truyền hình trực tiếp đã phát biểu, khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và hợp tác quốc phòng là một trụ cột rất quan trọng của quan hệ đối tác này trong thập kỷ qua. Năm 2020, bất chấp tình hình dịch COVID -19 phức tạp và khó khăn, cả hai nước đã duy trì được động lực trong quan hệ quốc phòng song phương, do đó trong năm 2021, phía Ấn Độ tin tưởng rằng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương sẽ tiếp tục được tăng cường và phát triển bền vững. Ông Ajai Kumar tin tưởng Trường Đại học Thông tin liên lạc và Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng nhau triển khai dự án và đưa Công viên phần mềm quân đội vào vận hành sớm nhất, phục vụ cho việc đào tạo công nghệ thông tin cho quân đội Việt Nam.
Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng thông tin liên lạc cho biết, Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ là kết quả cụ thể hóa Bản ghi nhớ hợp tác song phương được ký kết giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trung tâm đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ tháng 4/ 2015.
Những năm qua, Trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản trị mạng, lập trình ứng dụng, an toàn an ninh thông tin, chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho gần 20.000 học viên; mở rộng quan hệ hợp tác với trên 30 đối tác hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ.
Từ tháng 6/2018, Nhà trường tiếp tục được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với 3 khối nhà: 1A, 1B, 1C và các hạng mục hạ tầng đồng bộ, tổng mức đầu tư phần xây dựng khoảng 310 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thi công, đến nay, hạng mục Nhà 1B với diện tích gần 2000 m2 đã hoàn thành, tiếp nhận, lắp đặt hệ thống hạ tầng công nghệ Thông tin do Ấn Độ viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 5,3 triệu USD. Nhà trường cũng đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho chỉ huy, điều hành, vận hành các phòng chức năng của Nhà 1B; phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hạng mục hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục khởi công xây dựng các hạng mục nhà 1A, 1C và tiến tới hoàn thành toàn bộ Dự án Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ giai đoạn 2 “Công viên phần mềm quân đội”.
Công trình khi đi vào hoạt động sẽ là trung tâm trọng điểm của khu vực miền Trung và cả nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, ngoại ngữ; nghiên cứu phát triển, sản xuất phần mềm ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tiên tiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, cũng như nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu của thị trường quốc tế.