Khánh Hòa: Cần giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu

Hai đợt mưa lớn xảy ra vào đầu tháng và cuối tháng 11 kéo dài đến đầu tháng 12 đã khiến nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hòa bị ngập nặng, gây khó khăn cho cho việc đi lại và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng này, ngoài những biện pháp chống ngập như hiện nay, tỉnh Khánh Hòa cần có thêm các giải pháp căn cơ.

Chú thích ảnh
Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 28/11 đến 1/12 khiến nước lũ ngập lối đi dân sinh và nhà dân tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều năm nay, người dân sống dọc bờ sông Dinh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã quen với cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Ông Lê Phú, sống tại Phú Hội Nam 2, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa cho biết: "Chúng tôi đã quen với việc sống ở vùng thấp trũng sẽ bị ngập. Do đó, khi có điều kiện thời tiết bất lợi, mưa lớn, nước ở sông dâng cao, giải pháp tốt nhất là lập chốt rào chắn, cảnh báo mức nước ngập, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại".

Cùng cảnh với thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh cũng xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài trong đợt bão số 12, nước đầu nguồn đổ về kết hợp với triều cường dâng khiến nước mưa không thoát kịp cũng gây ngập cục bộ trong các khu dân cư của huyện Vạn Ninh. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tình trạng ngập nặng nhất, phải kể đến thành phố Nha Trang và một số xã của huyện Diên Khánh. Trong đợt mưa cuối tháng 11, Nha Trang ngập kéo dài suốt 3 ngày đêm, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Chị Trần Thị Sương, sống tại xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang – một vùng thấp trũng của thành phố phản ánh, trước đây dù cho mưa lớn mấy ngày cũng không ngập nặng đến mức nước tràn vào trong nhà của chị, nhưng trong đợt mưa từ cuối tháng 11 sang đầu tháng 12 vừa qua, nước dâng cao khắp nơi khiến chị phải đóng cửa hàng để chống ngập. Chị Sương mong sớm có những dự án thoát nước hiệu quả, phòng chống ngập lụt, giúp người dân yên tâm sống trong mùa mưa lũ.

Còn với xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, người dân nơi đây cho rằng, khu vực họ sống nằm ở hạ lưu sông nên mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các dự án chỉnh trang đô thị triển khai đồng loạt thì tình trạng ngập tại khu vực này càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chính là do tình trạng san nền dự án cao hơn cao trình khu dân cư cũ. Đồng thời, các dự án chỉnh trang đan xen giữa các khu dân cư nên nước không thoát được dẫn đến ngập cục bộ.

Ngoài ngập khu dân cư, mưa lớn cũng gây ngập ở các tuyến đường huyết mạch của thành phố Nha Trang. Trên khu vực ngập đường 23/10, nước ngập cộng với hệ thống cống bị hư hỏng nặng, nhiều tấm đan bị vỡ, sập, gây đọng nước; mưa lớn cộng sạt lở đất kéo dài cũng khiến một số vị trí mặt đường xuống cấp, rạn nứt chân chim, có chỗ tạo thành ổ gà, trơ đá, gây khó khăn cho người đi lại.

Một điểm cũng thường xuyên bị ngập trong nhiều năm trở lại đây là đại lộ Nguyễn Tất Thành, đoạn từ Khu dân cư Hòn Rớ 2 đến Trường Chính trị tỉnh. Các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân gây ngập đường khu vực này được xác định là do hệ thống thoát nước dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư Hòn Rớ 2 chưa hoàn thiện. Còn dọc trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, nơi giáp ranh giữa thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, nước ngập chảy xiết, nhiều trường hợp xe khách lưu thông qua đây bị chết máy, gây nguy hiểm cho hành khách trên xe.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cho rằng, mưa lớn kéo dài, kết hợp xả hồ, đập khiến cho một số vùng trũng của thành phố Nha Trang ngập nặng. Trước mỗi mùa mưa bão, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang đều yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện những giải pháp đảm bảo thoát nước, chống ngập. Tuy nhiên, đó chỉ là nhiệm vụ trước mắt, còn về lâu dài rất cần một giải pháp căn cơ.

Ông Lê Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa nhận định, ngập lụt ở thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh nguyên nhân chính là do lượng mưa tập trung các ngày từ 29/11 – 1/12 quá lớn. Lượng mưa đo được cả đợt tại các điểm như sau: thành phố Nha Trang 420 mm, huyện Diên Khánh 380 mm, huyện Khánh Vĩnh 400 mm. Đây là lượng mưa lớn và kéo dài lâu nhất trong những năm gần đây, vượt ngưỡng năm 2018, gây sạt lở ở nhiều khu vực tại thành phố Nha Trang. Ngoài mưa tại thành phố Nha Trang, mưa đổ từ đầu nguồn về khiến nước sông Cái dâng cao nên mới gây ngập lụt trong nhiều ngày ở thành phố Nha Trang.

Theo ông Thái, tỉnh Khánh Hòa là vùng đất có mưa thuận, gió hòa, điều kiện khí hậu tuyệt vời nhất trong khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên những năm trở lại đây, nhất là từ năm 2016, do biến đổi khí hậu, mưa bão diễn ra liên tục, người dân một phần chưa kịp thích nghi, một phần cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn chưa đáp ứng, phù hợp với thực tế hiện nay. Những giải pháp nạo vét, thông cống, xây bờ kè sông Cái (xây đứt đoạn, có tiền đến đâu, xây đến đó), của các địa phương chỉ là tạm thời, căn cơ cần có những dự án lớn, tổng thể. 

Được biết, Ngân hàng thế giới (WB) đang cùng với tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang với tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng. Dự án đặt ra các mục tiêu: nâng cao công suất hoạt động nhà máy xử lý nước thải phía Nam, giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc thành phố, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố theo quy hoạch…

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu
Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu

Nhằm tìm giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, ngày 25/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN