Tăng trưởng mạnh nhưng nhiều hạn chế
Từ năm 2013, sau khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chọn Khu công nghiệp Yên Bình (thành phố Phổ Yên) để xây dựng tổ hợp công nghệ cao, sản xuất thiết bị di động lớn hàng đầu thế giới, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là ngành công nghiệp với tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt trên 15%/năm.
Riêng từ năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 780 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước và cũng là tỉnh đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc về giá trị xuất nhập khẩu hàng năm.
Trước đây, giá trị gia tăng công nghiệp Thái Nguyên chủ yếu tại từ công nghiệp luyện kim, sản xuất thép cán, khai thác, chế biến khoáng sản, nhưng từ năm 2014 trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên có bước phát triển đột phá chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại, chiếm khoảng 92% tổng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm.
Trong giai đoạn tăng trưởng mới, dù ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất thép cán gặp nhiều khó khăn nhưng với nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo máy, sản xuất vật liệu xây dựng lớn như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty phụ tùng máy số I, Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên, Công ty xi măng Quang Sơn, Công ty xi măng La Hiên - VVMI...
Khối công nghiệp Trung ương vẫn có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp trên 10%/năm. Đối với công nghiệp địa phương, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, sản xuất bê tông đúc sẵn, kết cấu thép, gạch, luyện gang, thép cán kéo, khai thác khoáng sản... duy trì được công suất và sản lượng tiêu thụ nên mức tăng trưởng hằng năm đạt trên 15%.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp được thành lập, các doanh nghiệp phát triển nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như chế biến chè, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến lâm sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề... đều phát triển khá mạnh.
Xét về tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tính tại thời điểm cuối năm 2020, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn chiếm 92,13%; ngành sản xuất kim loại chiếm 3,62%; còn lại là các ngành công nghiệp khác...
Các sản phẩm công nghiệp của Thái Nguyên có mức tăng trưởng cao trong khoảng 5 năm trở lại đây gồm: điện thoại thông minh, mạch điện tử tích hợp, camera truyền hình, sản phẩm may mặc, sắt thép các loại, đồng tinh quặng, thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa...
Ngoài thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công vốn là khu vực tập trung các nhà máy sản xuất công nghiệp có truyền thống trước đây thì hiện nay thành phố Phổ Yên cùng huyện Phú Bình và Đại Từ đã trở thành những trung tâm sản xuất công nghiệp mới, có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao ở tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, từ năm 2016 đến nay, công nghiệp Thái Nguyên đã có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Tỉnh chủ động tiếp cận và thu hút được nhiều dự án lớn, dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hình thành thêm một số trung tâm công nghiệp lớn như: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công II... tạo tiền đề cho phân bố lực lượng sản xuất công nghiệp, tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thụy, khu công nghiệp Sông Công II, khu công nghiệp Yên Bình đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước đi vào sản xuất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển, công nghiệp Thái Nguyên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là việc giá trị sản xuất đứng hàng đầu cả nước, nhưng phần lớn tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 92,8% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngoại trừ giá trị sản xuất công nghiệp của Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung thì cơ cấu nội ngành công nghiệp vẫn dịch chuyển chậm, ngành sản xuất kim loại chiếm tỷ trọng cao (khoảng 43%), ngành công nghiệp nhẹ chủ yếu gia công là chính.
Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chưa có cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bằng nguyên liệu sẵn có trên địa bàn.
Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; việc huy động vốn kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; khả năng thu hút vốn để đầu tư phát triển các dự án công nghiệp chế biến còn nhiều hạn chế.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh được tăng cường, tuy nhiên chưa hỗ trợ được nhiều cho phát triển các thương hiệu đã được bảo hộ, các sản phẩm chủ lực.
Các ngành công nghiệp truyền thống như: luyện kim, khai thác chế biến khoáng sản, xi măng... đã phát triển tới ngưỡng và khó có thể tăng trưởng lớn trong những giai đoạn tiếp theo một phần do cơ chế quản lý chậm được đổi mới, thiếu linh hoạt trong đầu tư chiều sâu nên nhiều loại sản phẩm khó giữ vững và chiếm lĩnh được thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc sử dụng, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc thu hút các dự án vào cụm công nghiệp còn ít và đặc biệt khó khăn trong thu hút các chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, còn một số dự án công nghiệp đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc tiến độ bị kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; một số dự án dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, chuyển đổi mô hình đã làm giảm hiệu quả đầu tư.
Nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn hạn chế, các nhà đầu tư thiếu vốn nên việc đầu tư hạ tầng còn chậm hoặc chỉ dừng lại ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, nhất là tại các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng không thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ; khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư để xử lý nước thải tập trung.
Khẳng định vị thế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, trong phát triển công nghiệp đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó, ưu tiên tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới...
Thái Nguyên chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường và năng suất lao động cao, khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao, vị trí trung tâm vùng, phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.211.000 tỷ đồng, tăng bình quân từ 9%/năm trở lên.
Trong giai đoạn mới, Thái Nguyên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện với mục tiêu đến năm 2025 đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.100.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%.
Để cụ thế hóa mục tiêu này, tỉnh iếp tục phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy, mở rộng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300 ha, thành lập Khu công nghiệp Phú Bình diện tích hơn 600 ha nhằm phục vụ các dự án chuyên lắp ráp thiết bị điện và các cơ sở công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, công cụ, trang thiết bị điện tử y tế...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có kế hoạch thành lập Khu công nghệ cao Quyết Thắng, Khu công nghệ phần mềm và nội dung số Quyết Thắng; trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp linh kiện, công nghiệp vi mạch bán dẫn, vi cơ điện tử, công nghiệp phần mềm, nội dung số, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, sản xuất và kinh doanh các hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng thông tin và truyền thông, ưu tiên thu hút đầu tư một số dự án công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Đối với công nghiệp cơ khí, Thái Nguyên xác định đây là ngành công nghiệp hỗ trợ cần được ưu đãi đặc biệt cho phát triển, toàn bộ đầu tư mới đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư có trọng điểm, tập trung, không dàn trải nhằm phục vụ cho sản xuất như: máy động lực, máy nông nghiệp, phụ tùng ô tô, xe máy, thiết bị chế biến bảo quản sau thu hoạch, công cụ, dụng cụ, phụ tùng...
Tỉnh ưu tiên các khu công nghiệp thuộc thành phố Sông Công và Phổ Yên để sản xuất và lắp ráp động cơ diesel, động cơ thủy, xe tải nhẹ và xe nông dụng, sản xuất và lắp ráp máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị điện, điện dân dụng, thiết bị đồng bộ cho ngành dệt, phụ tùng xe máy, ô tô các loại; hộp số máy kéo, sản xuất công cụ, dụng cụ...
Trong phát triển công nghiệp may mặc, Thái Nguyên xác định đây là ngành công nghiệp quan trọng, giúp cho tỉnh đạt tiêu chí chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động tại chỗ vùng nông nghiệp nông thôn.
Do vậy, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư liên hợp sợi, dệt, sản suất phụ liệu ngành may tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 - thành phố Thái Nguyên, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy may chuyên sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, phấn đấu mỗi huyện thu hút đầu tư từ 2 đến 3 nhà máy...
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, công nghiệp sản xuất kim loại...
ổng vốn đầu tư dự kiến cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn đạt khoảng 150.000 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng và vốn của các nhà đầu tư khoảng 148.000 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh liên kết và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với những quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể của từng ngàng công nghiệp cùng với sự quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Thái Nguyên đang có những bước phát triển vững chắc, từng bước khẳng định vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc bộ về kinh tế - xã hội, trở thành cực tăng trưởng mới của vùng thủ đô Hà Nội, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.