Đề cao vai trò người đứng đầu
Phát huy truyền thống lịch sử 190 năm, với niềm tin và khát vọng về một Thái Nguyên giàu mạnh, dựa trên những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Thái Nguyên đang bước vào một chặng đường phát triển mới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Thái Nguyên đang nỗ lực, tập trung sức người, sức của, đồng lòng nhất trí để thực hiện những giải pháp có tính đột phá, đó là: Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, xuyên suốt của Đảng trong mọi lĩnh vực.
Đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đi đôi với cơ chế bảo vệ cán bộ theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị mới ban hành tháng 9/2021. Tập trung, chú trọng xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động với đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu đạo đức, đặc biệt là đạo đức công vụ.
Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn, gắn với phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và đô thị hiện đại. Tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư. Thái Nguyên ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có năng lực và uy tín và các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính các cấp đối với người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu hướng tới trong mọi chỉ đạo điều hành trong tiêu chí đánh giá chất lượng cũng như mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Địa phương đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đặc biệt quan tâm tới vị thế vai trò của Thái Nguyên là động lực, là cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận.
Đi đầu trong chuyển đổi số
Tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực là một giải pháp hết sức quan trọng, và đang là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp có tính đột phá được Thái Nguyên lựa chọn với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực và thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số vào năm 2025.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải, chuyển đổi số thành công sẽ giúp Thái nguyên phát huy được hết những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch kèm theo là phát triển về hệ thống thương mại, dịch vụ, giáo dục y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… góp phần tạo ra giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Một minh chứng rất rõ ràng là nhờ chuyển đổi số nhanh và hiệu quả kết hợp với sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền các đơn vị mà thời gian vừa qua Thái Nguyên đã vững vàng trong kiểm soát dịch bệnh covid, quản lý các khu cách ly, quản lý người ra vào tỉnh rất hiệu quả...; giúp Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu kép, tăng trưởng năm 2021 đạt 6,51%, thu ngân sách đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, bằng 146,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất, trong đó số thu nội địa đứng thứ 18 cả nước.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; đứng thứ 4 cả nước. Giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 Vùng thủ đô Hà Nội.
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành hoàn thiện môi trường pháp lý, rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản pháp luật của địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số các cấp, thực hiện quy định về định danh và xác thực điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số, triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp lý về thuế, phí.
Trong phát triển hạ tầng số, tỉnh chủ trương phát triển hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tại địa phương, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước, phát triển hạ tầng Internet vạn vật phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại địa phương, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (trong đó chính quyền số đứng thứ 03/63, kinh tế số đứng thứ 19/63, xã hội số đứng thứ 37/63). Các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với đảng bộ, chính quyền của tỉnh (như chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS) đều đạt thứ hạng cao.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên kết hợp với đi trước đón đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ giúp Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển, thực hiện được giấc mơ của mình là trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô vào năm 2030, và sẽ hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên vào năm 1964 đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta.