Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh dự Hội nghị.
Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết gồm 15 chỉ tiêu liên quan đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Sau một năm thực hiện, Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu tích cực. Về xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, tỉnh triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung của tỉnh như: Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành được vận hành ổn định, tiết kiệm trên 8 tỷ đồng tiền gửi, nhận văn bản qua đường bưu điện; đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tất cả các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn,… phục vụ các cuộc họp trực tuyến, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện quan trọng khác trên địa bàn tỉnh; xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh; hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên.
Về phát triển kinh tế số, công tác triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử được đẩy mạnh, đặc biệt là các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Kinh tế số đã dần hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực như ngành nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh với việc đưa lên sàn thương mại điện tử hơn 1.000 sản phẩm; xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”; Ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; hệ thống quan trắc môi trường...; ngành giao thông vận tải với hệ thống Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Về phát triển xã hội số, tỉnh đẩy mạnh triển khai nền tảng xã hội số, công dân số với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh Thái Nguyên tới người dân thông qua thiết bị di động, phân chia theo nhóm đối tượng sử dụng, bắt đầu từ nhóm “Người lao động” trên nền tảng và ứng dụng ThaiNguyenID, với các tính năng nổi bật như: eKYC, thuê nhà, việc làm, định hướng nguồn nhân lực, nộp và theo dõi tiến độ hành chính công, tin tức…; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và du lịch cũng từng bước số hoá, xây dựng các nền tảng số, quản lý, điều hành… hoàn toàn bằng công nghệ số.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ấn tượng với những chuyển biến mạnh mẽ của Thái Nguyên về chuyển số. Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, có ngày chuyển đổi số, là địa phương đầu tiên đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong thực hiện thí điểm chuyển đối số quốc gia,… Điều này khẳng định quyết tâm chuyển đổi số, sự mạnh mẽ đi đầu của người đứng đầu, sự quyết tâm của chính quyền địa phương. Từ đó, Thái Nguyên là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số, không chỉ trong kinh tế, mà trong xã hội, chính trị, trong các hệ sinh thái môi trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xếp hạng xã hội số của Thái Nguyên hiện nay đang đứng thứ 37/63 địa phương là chưa tương xứng. Để tiếp tục tạo ra sự đột phá hơn nữa về chuyển đối số trong thời gian tới, Thái Nguyên có thể tập trung vào đẩy mạnh phát triển xã hội số. Bộ trưởng lý giải, xã hội số chính là thị trường cho kinh tế số, thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số, người dân có tự tin trên môi trường số, tiêu dùng các sản phẩm số thì mới có kinh tế số… và Thái Nguyên có thể phát triển thành một thị trường số lớn, tất cả công nghệ, nhân lực, các doanh nghiệp số sẽ đến đầu tư vào tỉnh, từ đó xã hội số bứt phá sẽ kéo theo kinh tế số, mỗi người dân sẽ trở thành công dân số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, năm xưa Thái Nguyên là cái nôi kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ làm việc trong cuộc chiến chống thực dân xâm lược, ngày nay, tiếp tục với truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tỏa sáng, là chiến sĩ tiên phong trong công tác chuyển đổi số.
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viettel và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã khai trương mạng di động 5G tại Thái Nguyên. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông cho 5 cá nhân; tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân của tỉnh Thái Nguyên; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số.