Khẩn cấp mở các vòi nước công cộng phục vụ người dân trong mùa khô hạn

Chủ động ứng phó tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, khô hạn và xâm nhập mặn sâu, kéo dài, tỉnh Tiền Giang đã mở 62 vòi nước công cộng miễn phí phục vụ nhân dân các địa bàn ven sông, ven biển, ngoài các đê bao ngăn mặn tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… nằm phía Đông tỉnh.

Chú thích ảnh
Nhân dân đến lấy nước từ một điểm cấp nước miễn phí ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây.

Địa phương quyết tâm không để bà con phải thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô hạn. Thời gian mở đến giữa tháng 5/2024, khi mùa khô hạn 2023 – 2024 dự kiến kết thúc.

Các vòi nước công cộng nói trên đã cấp được gần 3.000m3 nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.

Tùy theo diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn cũng như nhu cầu nước ngọt của người dân khi vào cao điểm mùa khô hạn 2023 - 2024 sắp tới, tỉnh dự kiến mở thêm khoảng 30 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho nhân dân các huyện ven biển nhiều khó khăn như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam nhấn mạnh, hoạt động nhằm đảm bảo người dân các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ dân sống phân tán thời gian qua chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung có thể đến lấy nước sinh hoạt miễn phí, tránh tình trạng phải mua hoặc đổi nước ngọt để dùng với giá đắt đỏ như những năm trước đây.

Nằm ven biển Gò Công, trong mùa khô 2023 - 2024, huyện Gò Công Đông mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển như: Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Phước Trung, Tân Hòa… kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023 - 2024.

UBND huyện Gò Công Đông đã ban hành Công văn số 533/UBND-NN&PTNT về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn huyện. Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về việc chủ động ứng phó diễn biến tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 với tinh thần tích cực, khẩn trương, hiệu quả.

Huyện Gò Công Đông rà soát các vị trí và kịp thời lắp đặt vòi nước công cộng với những khu vực chưa có tuyến ống cấp nước tập trung, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô 2023-2024; phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi, rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, đặc biệt quan tâm giải pháp trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang đã vận hành 12 giếng nước tầng sâu dự phòng nhằm tăng cường lượng nước bơm trữ trong các ao chứa nước ngọt tại các huyện phía Đông, đáp ứng tình hình thực tế. Ước tính, tổng lượng nước khai thác từ các giếng dự phòng cấp cho người dân đạt trên 336.000 m3. Chủ động ứng phó diễn biến hạn mặn trong những ngày tới, không để bị động trong việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Công ty đang xây dựng phương án dùng sà lan vận chuyển nước ngọt từ phía thượng lưu sông Tiền về trữ trong hai ao chứa ở huyện cù lao Tân Phú Đông có tổng dung tích 182.000 m3 nhằm cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân.

Hiện nay, tại huyện Tân Phú Đông có 3 ao chứa nước ngọt trữ được gần 101.000 m3, huyện Gò Công Tây có 6 ao chứa trữ được trên 28.000 m3, thị xã Gò Công có 2 ao chứa trữ được trên 4.000 m3 và huyện Gò Công Đông có 6 ao chứa trữ khoảng 55.500 m3 nước ngọt. Theo dự kiến, với tình hình trữ nước ngọt như trên, huyện cù lao Tân Phú Đông có thể duy trì hoạt động cấp nước khoảng 35 ngày; các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công duy trì khoảng 57 ngày.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023-2024. Trường hợp mùa khô kéo dài, địa phương kịp thời thông tin, tuyên truyền và thông báo người dân biết, có giải pháp trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và an toàn. Đồng thời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang tăng cường công tác kiểm tra, vận hành của các nhà máy nước cũng như các trạm cấp nước, bảo đảm không để xảy ra sự cố khiến gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Long An: Khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước mùa khô
Long An: Khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước mùa khô

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Long An (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mùa khô 2024 xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng thuộc các huyện vùng hạ của tỉnh, với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN