Huyện vùng cao Quỳnh Nhai (Sơn La) chú trọng xây dựng nông thôn mới

Từng là huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, năm 2010, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, cùng nhiều khó khăn đặc thù.

Chú thích ảnh
Diện mạo bản làng vùng cao tại huyện Quỳnh Nhai thay đổi nhờ xây dựng nông thôn mới. 

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, Quỳnh Nhai đã đạt được những kết quả tích cực và đang phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025. 

Gia đình ông Tòng Văn Vinh (bản Bo Xanh, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai) là một trong nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Sau khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động, ông đã chuyển đổi 2ha đất trồng ngô, sắn hiệu quả thấp sang trồng dứa cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ dân khác trong bản cũng đã chuyển sang trồng dứa. Họ không còn lo lắng khâu tiêu thụ vì đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty.

Chú thích ảnh
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai kiểm tra mô hình trồng dứa của người dân. 

Ông Tòng Văn Vinh chia sẻ, vừa qua thực hiện chủ trương của địa phương, gia đình ông đã chuyển sang trồng dứa vì loại cây này có đơn vị bao tiêu, thu mua sản phẩm và giá cả ổn định hơn. Hiện mức giá thu mua theo hợp đồng với doanh nghiệp từ 5.000 đồng/kg trở lên nên gia đình ông rất yên tâm gắn bó với cây dứa. Không những thế, khi trồng cây dứa, gia đình ông còn được hỗ trợ giống, phân bón.

Bên cạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, với lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La được ví như "Hạ Long trên núi", huyện Quỳnh Nhai đang tập trung thu hút các nhà đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển.

Chú thích ảnh
Người dân xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. 

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại huyện Quỳnh Nhai, bài học lớn được rút ra là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích, trong đó người dân là trung tâm, người trực tiếp thụ hưởng. Thông qua đó, gần 1.000 tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa trải dài khắp các bản làng, nhưng không tốn chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là minh chứng về sự đồng lòng của nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ông Lò Văn Sướng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Mựt 2, xã Mường Giôn cho hay, trước đây đường đất, đi lại rất khó khăn, khi chính quyền địa phương vận động làm đường giao thông nông thôn bà con trong bản rất phấn khởi. Đến nay, 100% hộ dân đều đồng tình, ủng hộ làm đường; nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quỳnh Nhai có xuất phát điểm rất thấp, là 1 trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Nhưng nhờ thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện sơn La, huyện Quỳnh Nhai lại có những thuận lợi khi nguồn vốn dự án này đã xây dựng hạ tầng cơ sở tương đối đồng bộ. Việc bố trí, sắp xếp lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân được quan tâm nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Ruộng bậc thang tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai. 

Xác định kinh tế là cái gốc, động lực xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳnh Nhai tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển thủy sản, cây ăn quả trên đất dốc và cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả. Đây là tiền đề quan trọng để Quỳnh Nhai trở thành đơn vị cấp huyện thứ 2 của tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, đến nay, huyện đã có 6/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, thu hút  doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy chế biến nông, thủy sản; đồng thời, từng bước đề xuất, xây dựng quy hoạch Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.

Chú thích ảnh
Trung tâm xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai được đầu cơ sở hạ tầng đồng bộ. 

Trong giai đoạn 2018-2020, huyện Quỳnh Nhai đã ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, huyện mới đạt 3 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cấp huyện (gồm kinh tế; điện; y tế, văn hóa, giáo dục), còn 6 tiêu chí chưa đạt.

Để hỗ trợ Quỳnh Nhai sớm trở thành huyện nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La đã ban hành riêng Đề án xây dựng nông thôn mới cho huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, trong Đề án đã nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành để các xã còn lại của Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là việc đánh giá tỷ lệ hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Xã miền núi đặc biệt khó khăn ở Lạng Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới
Xã miền núi đặc biệt khó khăn ở Lạng Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới

“Bằng mọi nguồn lực, phải đưa Thiện Long về đích nông thôn mới vào tháng 11/2021”. Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ngày 8/9 tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN