Huyện Giồng Riềng nằm trong vùng Tây sông Hậu thuộc tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố Rạch Giá 35 km về phía Đông, có 18 xã và 1 thị trấn. Diện tích tự nhiên của huyện 63.936 ha; trong đó, đất nông nghiệp 57.671 ha, dân số 224.695 người, với đồng bào dân tộc Khmer chiếm 16,75%.
Ông Cao Quốc Điện, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, năm 2010, huyện Giồng Riềng thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở điểm xuất phát thấp, chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất nông nghiệp phần lớn là trồng lúa còn nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng chưa cao.
Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, bình quân hơn 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 11%, cơ sở vật chất trường lớp, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao thiếu thốn... Tiêu chí nông thôn mới toàn huyện bình quân chỉ từ 5 - 8 tiêu chí/xã.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 57 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,6 lần so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,7%; 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Cùng với đó, diện mạo nông thôn mới Giồng Riềng thay da, đổi thịt và phát triển đáng kể. Hệ thống giao thông trên địa bàn liên hoàn, thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã và đến xóm ấp. Đường trục xã, liên xã đã được nhựa hoá hoặc bê tông hóa tổng chiều dài hơn 156 km, đạt 100%; đường trục ấp, liên ấp xây dựng cứng hóa tổng chiều dài khoảng 350 km, đạt 100% và hàng trăm km đường thôn, ngõ xóm được cứng hóa đi lại dễ dàng vào mùa mưa.
Hệ thống điện phân phối liên xã toàn địa bàn, với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn hơn 99%. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát và tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” theo quy định 95%, phần lớn nhà ở của nhân dân xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện có hơn 47.000 ha trồng lúa, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ ở các địa phương, với tỷ lệ cống thủy lợi, trạm bơm điện kiên cố hóa đạt 85,5%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động chiếm hơn 87%.
Huyện có 120 hợp tác xã nông nghiệp, với phần lớn số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và mang lại thu nhập cao cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nhất là sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” năng suất, chất lượng cao.
Nông dân chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến vào đồng ruộng, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện năng suất lúa của tỉnh bình quân đạt 6 - 7 tấn/ha. Ngoài ra, huyện còn có mô hình sản xuất đa canh tổng hợp hiệu quả kinh tế cao, trồng hoa màu và những loại cây trồng khác. Diện tích nuôi thủy sản gần 6.000 ha, với các mô hình nuôi cá ruộng lúa, nuôi cá ao quảng canh và thâm canh, cá - rừng tràm… tổng sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 40.000 tấn.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, huyện Giồng Riềng huy động xây dựng nông thôn mới hơn 2.440 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn, vốn tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Ngoài ra, nhân dân còn tự chủ động xây mới và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, cải tạo cảnh quan môi trường… với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, góp phần vào thành công xây dựng Giồng Riềng đạt huyện nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng- Cao Quốc Điện nhấn mạnh, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế huyện Giồng Riềng chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng xây dựng, dịch vụ và thương mại. Huyện xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, tiêu chí xã nông thôn mới gắn với xây dựng thị trấn Giồng Riềng đạt đô thị loại 4. Huyện xây dựng lộ trình thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục nâng lên.
Đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu có 100% số xã giữ vững chất lượng tiêu chí nông thôn mới, nâng chất huyện nông thôn mới; trong đó, 5 xã Thạnh Hưng, Long Thạnh, Hoà Lợi, Ngọc Thuận, Thạnh Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 100% số xã triển khai xây dựng các ấp nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 50% số xã có ấp nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 88 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8 %, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65% và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%, hơn 70% hộ dân được sử dụng nước sạch...