Hiện tỉnh đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 32 dự án FDI đăng ký đầu tư mới với số vốn đầu tư đăng ký gần 510 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 578 dự án FDI đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 7,6 tỷ USD.
Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký; Hàn Quốc có 154 dự án, với vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88% tổng vốn đăng ký.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là ví dụ điển hình cho những nỗ lực của Hưng Yên trong việc cải thiện môi trường, thu hút các nhà đầu tư. Nếu năm 2017, Hưng Yên là một trong 10 tỉnh thuộc top cuối bảng xếp hạng PCI, nhưng đến năm 2023, Hưng Yên vươn lên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Trần Quốc Văn chia sẻ, điểm nổi bật trong những năm qua của Hưng Yên là đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, chủ động làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, đón các đoàn nước ngoài về xúc tiến đầu tư tại Hưng Yên. Tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phát triển.
Theo ông Trần Quốc Văn, những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án mở rộng, nâng cấp đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan… Đây là động lực để Hưng Yên bức phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên - Trịnh Văn Diễn cho rằng, sức hút đầu tư các dự án FDI của tỉnh xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, đặc biệt là các khu công nghiệp. Hầu hết khu công nghiệp của tỉnh có vị trí giao thương thuận lợi kết nối đi sân bay Nội Bài và các tỉnh kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Cùng với đó, hạ tầng giao thông, lưới điện, hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nguồn lao động trẻ và dồi dào. Đây là thế mạnh của tỉnh trong thu hút các nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Diễn cho biết thêm, dựa vào những lợi thế sẵn có, tỉnh đã xây dựng và ban hành một số nội dung quan trọng về chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh việc tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, với sự thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; tỉnh đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn lớn có năng lực tài chính, thương hiệu, sức lan tỏa mạnh và bảo vệ môi trường cho người dân. Thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến đầu tư của các quốc gia để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Hưng Yên tới các nhà đầu tư; thường xuyên cập nhật thông tin về thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư, cung ứng lao động, hạ tầng giao thông...
Cùng đó, tỉnh định kỳ tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân nhằm đối thoại, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo xây dựng và ban hành danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khi đến Hưng Yên...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 khu công nghiệp, với diện tích hơn 4.300 ha; trong đó có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và vị trí đắc địa, các khu công nghiệp có lợi thế và sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên - Vũ Quốc Nghị chia sẻ, công tác cải cách thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được cải thiện mạnh mẽ. Ban đã chủ động, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành quy trình giải quyết nội bộ đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư; trong đó cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định là 15 ngày xuống còn 48 giờ.
Theo ông Vũ Quốc Nghị, cùng đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các nhà đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để yên tâm sản xuất, kinh doanh như việc doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về tiền thuê đất trong thời gian thuê lên tới 50 năm trong các khu công nghiệp của tỉnh. Các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo... Tỉnh cam kết các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ cung cấp và tuyển dụng lao động, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp…
Ông Liu Jun, Công ty TNHH Việt Nam Sunergy Wafer, có địa chỉ tại thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) chia sẻ, tỉnh Hưng Yên có vị trí giao thương thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. Đặc biệt, những năm gần đây, địa phương đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, luôn lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp rất an tâm sản xuất, kinh doanh...