Nhân Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến ngày 6/7), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sỹ Đồng đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về hiện thực hóa quy hoạch này đúng lộ trình nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nằm ở giữa “khúc ruột” miền Trung nên Quảng Trị có vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng và liên vùng. Vậy tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông như thế nào để tăng kết nối vùng, thưa ông?
Tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để tăng kết nối vùng và liên vùng. Ngoài cao tốc đường bộ Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh, Quảng Trị đã và đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm về giao thông nhằm tạo động lực lan tỏa, giúp tăng liên kết vùng. Trong tương lai không xa, tỉnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với các dự án trọng điểm về đường bộ, đường bộ cao tốc, đường hàng không và cảng biển nước sâu.
Tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 15D, kết nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Đây là tuyến giao thông theo trục Đông - Tây có vai trò quan trọng kết nối giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào và Đông Thái Lan. Quốc lộ 15D dự kiến đầu tư ba đoạn tuyến gồm: Từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km, từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34km, từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km. Để sớm triển khai đầu tư các đoạn tuyến này của Quốc lộ 15D, tỉnh đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí vốn từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2021-2025. Về đường bộ còn có các dự án quan trọng khác giúp kết nối vùng như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây dài trên 55km, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2026; Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư.
Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị dự kiến khởi công ngày 6/7 và hoàn thành sau 24 tháng thi công. Dự án được thực hiện tại huyện Gio Linh có quy mô trên 265ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.800 tỷ đồng. Cảng Hàng không Quảng Trị được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E cho phép khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 đã được triển khai thi công từ tháng 3/2024. Dự án có tổng mức đầu tư trên 14.200 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Dự án được đầu tư theo ba giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành hai bến cảng vào cuối năm 2025, các bến cảng còn lại tiếp tục được đầu tư từ sau năm 2025.
Tỉnh dựa vào các trục giao thông kết nối vùng như: Quốc lộ 1A, cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây để thu hút đầu tư hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thưa ông, quy hoạch tỉnh cũng bám sát chủ trương Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là “nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)”. Để thực hiện chủ trương này, tỉnh cần có cơ chế đặc thù như thế nào về nguồn vốn và chính sách đối với một số dự án?
Quảng Trị có lợi thế nằm ở điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC, tiếp giáp với nước bạn Lào và các nước khác trong khu vực. Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với EWEC. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”. Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua năm 2023 đã cập nhật các khu thương mại xuyên biên giới trên tuyến EWEC.
Hiện nay, tỉnh đang làm Đề án xây dựng Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (Savannakhet, Lào). Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung này nằm ở cửa ngõ của EWEC, giao thương kết nối với Bắc - Nam và kết nối với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Đề án kế thừa Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan, hiện có hạ tầng tương đối đồng bộ. Để thực hiện Đề án, tỉnh đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù về thuế, lao động, thủ tục đầu tư, chính sách tín dụng, tài chính ngân hàng, hàng hóa xuất nhập khẩu. Kỳ vọng ở Đề án là xây dựng vùng biên giới Lao Bảo - Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của EWEC về phía Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia, theo đúng Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia, góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trên cơ sở vừa phát triển kinh tế vừa củng cố quốc phòng, an ninh.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, theo cơ chế chính sách đặc thù. Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra khả năng kết nối đột phá và thúc đẩy phát triển đối với Quảng Trị và khu vực miền Trung; tạo thêm trục Đông - Tây song song với tuyến EWEC và phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 9 hiện nay. Dự án có chiều dài 56km (điểm đầu giao với cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận huyện Triệu Phong, điểm cuối tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo), tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, huy động vốn nhà nước và nhà đầu tư tỷ lệ là 50/50 nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dự án, do thời gian thu hồi vốn rất lâu. Do đó, tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án này với phần vốn nhà nước chiếm 70%, phần vốn nhà đầu tư chiếm 30%. Như vậy tỉnh mới có thể kêu gọi được vốn đầu tư từ tư nhân, khơi thông được nguồn lực và khai thác lợi thế để phát triển.
Quy hoạch tỉnh xác định, xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch khu vực miền Trung. Nỗ lực và quyết tâm của tỉnh để hiện thực hóa mục tiêu này là như thế nào, thưa ông?
Thu hút đầu tư vào năng lượng sạch gồm, điện gió, điện mặt trời và điện khí là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Quảng Trị. Vùng miền núi phía Tây Quảng Trị đang dần trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung khi đã có hàng chục dự án đi vào hoạt động. Nơi đây có điều kiện thuận lợi để làm điện gió khi tốc độ gió trung bình đạt 7m/s, địa hình đồi núi trải rộng và ít dân cư. Thực tế, các nhà máy điện gió đi vào hoạt động ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, còn tạo sự lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là các tour du lịch tham quan những cánh đồng điện gió luôn thu hút khách. Những tuyến đường giao thông được mở ra vừa phục vụ nhà máy điện gió, vừa tạo ra sự kết nối giữa các xã vùng miền núi biên giới. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường.
Theo tính toán làm 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất; trong đó có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời. Thời gian tới, ngoài tiếp tục phát triển điện gió ở vùng miền núi phía Tây, tỉnh còn xin chủ trương Trung ương làm điện gió vùng ven biển, ngoài khơi. Từ nay đến năm 2030, tỉnh xin điều chỉnh bổ sung thêm 3.000 MW điện gió. Ở vùng đồng bằng ven biển Quảng Trị có vùng cát nội đồng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Thêm thuận lợi cho phát triển điện mặt trời là tổng số giờ nắng trung bình năm ở Quảng Trị dao động ở mức cao từ 1.800 - 2.000 giờ. Tỉnh đã có 3 dự án điện mặt trời đi vào vận hành trên vùng cát nội đồng ở các xã Gio Thành, Gio Hải thuộc huyện Gio Linh với tổng công suất gần 150 MW.
Trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) được tỉnh quy hoạch xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tại đây, Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 đang được xây dựng với quy mô 120 ha, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Tỉnh đang chuyển đổi Dự án Nhà máy điện than BOT Quảng Trị một sang nhà máy điện sử dụng khí LNG. Khu kinh tế này nằm ven biển nên rất thuận lợi cho việc thu hút các dự án khai thác khí ở ngoài khơi phục vụ các nhà máy điện khí. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang được xây dựng để phục vụ Trung tâm điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nói riêng và trung chuyển hàng hóa của khu vực nói chung. Quảng Trị là nơi gần nhất để tiếp bờ hai mỏ khí lớn Kèn Bầu và Báo Vàng. Các nhà đầu tư đến đây, tỉnh sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hạ tầng, điều kiện khác để khai thác các mỏ khí và làm điện khí.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đúng lộ trình quy hoạch, tỉnh tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông ?
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn quy hoạch, ngày 6/7 tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Hội nghị này được chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị mong đợi. Đây là dịp để tỉnh công bố, công khai rộng rãi quy hoạch; gặp gỡ đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng thế mạnh cũng như kỳ vọng của Quảng Trị; đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị giúp tỉnh phát triển.
Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản, là tỉnh công nghiệp dịch vụ. Quảng Trị là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Tỉnh thực hiện các giải pháp trọng tâm gồm: Thứ nhất khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ, nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Hoàn chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhằm đảm bảo đồng bộ, sẵn sàng kêu gọi thu hút đầu tư. Thứ hai tập trung phân bổ, sử dụng tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn lực; vận động nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại thông minh; ưu tiên nguồn lực đầu tư và các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và tăng trưởng bền vững. Thứ ba là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực đầu tư. Quảng Trị cam kết với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng lắng nghe và đối thoại; sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư. Thứ tư, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất đồng thuận, quyết tâm hành động quyết liệt; tinh thần đoàn kết, trách nhiệm hiệu quả để sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như kỳ vọng của Trung ương, doanh nghiệp và người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!