Hải Dương giải đáp ý kiến các hộ dân nằm trong hành lang đường dây 220kV

Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân nhưng phải đúng quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi đối thoại. 

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết trong buổi đối thoại, tuyên truyền và vận động các hộ gia đình, cá nhân nằm trong hành lang đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương – Trạm 500kV Phố Nối đoạn tuyến qua xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương ngày 29/6.

Tại buổi đối thoại các hộ dân nằm trong hành lang đường dây 220kV đã kiến nghị một số vấn đề như: chế độ, chính sách về bồi thường hỗ trợ do hạn chế sử dụng đất đối với các hộ dân ở dưới đường dây 220 kV. Nhiều hộ dân cũng bày tỏ lo lắng khi phải sinh sống dưới đường dây 220kV vì vẫn có hiện tượng nhiễm từ như cắm bút thử điện vào người hay tương đều sáng đèn trong những ngày mưa… và đề nghị được bồi thường với mức giá ở thời điểm hiện tại, tái định cư ở địa điểm khác để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Chú thích ảnh
Người dân kiến nghị và bày tỏ nguyện vọng với các cấp chính quyền. 

Một số hộ dân phản ánh dự án Trạm biến áp 500kV Phố Nối và các đường dây đấu nối qua xã Cẩm Hưng và dự án Công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương – Trạm 500kV Phố Nối đoạn tuyến qua xã Cẩm Hưng chưa được công khai, minh bạch và đề nghị các cấp có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ dự án. Các hộ dân yêu cầu các cơ quan chức năng và ngành điện phải cam kết và chịu trách nhiệm với các hộ dân về việc đảm bảo an toàn sức khỏe khi sinh sống dưới đường dây 220kV.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương Nguyễn Trác Trung trả lời các kiến nghị của người dân.

Tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương Nguyễn Trác Trung cũng đã trao đổi thẳng thắn với các hộ dân về những trường hợp nào nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất; những trường hợp nào không thu hồi đất nhưng sẽ bồi thường do bị ảnh hưởng hạn chế sử dụng đất.

Ông Trung cũng chia sẻ, thấu hiểu nỗi lo của người dân, UBND tỉnh Hải Dương đã dự kiến có cơ chế hỗ trợ riêng để thu hồi đất và tiến hành tái định cư nhưng các hộ dân lại không đồng ý với phương án đền bù và vị trí đất tái định cư ở thôn Mậu Tân và thôn Hộ Vệ; không đồng ý cho hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện kiểm đếm tài sản; yêu cầu đất phải đổi bằng đất không phải nộp tiền sử dụng đất… Tỉnh Hải Dương cũng đã thực hiện bồi thường do ảnh hưởng sử dụng đất với mức cao nhất với tỷ lệ 80% theo đơn giá thu hồi đất.

Chú thích ảnh
Ông Lê Văn Khải, Phó Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia) trả lời các kiến nghị của người dân.

Ông Lê Văn Khải, Phó Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia) cho biết, đường dây 220kV nằm trong dự án xây dựng Trạm 500kV Phố Nối và các đường dây đấu nối. Đường dây 220kV có 4 mạch và đã thi công, đóng điện xong 2 mạch. Thực tế hướng tuyến của đường điện 220kV song song với dường điện 500kV đã thi công đưa vào khai thác từ năm 2009 (khoảng cách giữa 2 đường điện ngắn nhất là 15,4m tính từ mép ngoài đường dây điện 500kV đến mép ngoài đường dây điện 220kV tại vị trí từ cột M3 đến cột M10).

Đối với những lo lắng của người dân về những ảnh hưởng đối với sức khỏe khi sinh sống dưới đường dây 220kV, ông Khải khẳng định: đối với đường dây 500kV thì phải thu hồi toàn bộ đất nằm trong hành lang nhưng đối với đường dây 220kV đã được quy định rõ về đảm bảo an toàn cho sinh sống và xây dựng nhà trong các nghị định, Luật Điện lực…  Đối với hiện tượng dùng bút thử điện mà phát sáng, ông Khải đề nghị cần có các đơn vị độc lập tiến hành đo với các thiết bị chuyên dụng thì mới khẳng định được cường độ dòng điện có an toàn hay không.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết trả lời các kiến nghị và giải đáp những vướng mắc của người dân. 

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết đã tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của người dân và cho biết, hiện ngành điện đã cam kết với tỉnh, huyện là những hộ dân hiện sống dưới đường dây 220kV là an toàn và khi hoàn thiện dự án, ngành điện cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thuê một cơ quan độc lập để đo lại cường độ dòng điện. Nếu không an toàn thì ngành điện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu UBND huyện Cẩm Giàng cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh Hải Dương, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, phòng chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, nguyện vọng của người dân để báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cũng bày tỏ mong muốn qua buổi đối thoại, người dân sẽ hiểu rõ thêm về cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước và đồng thuận, ủng hộ các cơ quan chức năng triển khai dự án.

Dự án xây dựng Trạm biến áp 500kV Phố Nối và các đường dây đấu nối được triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2015. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, dự án đi qua địa bàn 2 xã: Ngọc Liên và Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng với tổng số chân cột là 17 cột (xã Ngọc Liên 6 cột và xã Cẩm Hưng 11 cột). Trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án có 19 hộ dân có đất ở thuộc xã Cẩm Hưng nằm trong hành lang đường điện được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã bàn giao mặt bằng các vị trí chân cột cho đơn vị thi công 17/17 chân cột; đồng thời đơn vị thi công đã kéo xong đường dây điện 220kV mạch một.

Hiện nay, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc tiếp tục thực hiện dự án Công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương – trạm 500kV Phố Nối đoạn tuyến qua xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng để kéo tiếp mạnh 2 (tổng 12 dây điện/1 cột). Tuy nhiên khi kéo dây điện từ cột M3 đến cột M9 đoạn qua các hộ Nguyễn Thị Quynh, Nguyễn Thị Chiển... thuộc thôn Hộ Vệ, thôn Đông Đồng và thôn Đồng Xuyên có ý kiến không cho kéo dây vì cấp có thẩm quyền chưa trả lời rõ quyền lợi của các hộ bị ảnh hưởng hành lang đường điện 220kV.

Đối với phương án bồi thường thiệt hại, hiện nay, Hải Dương áp dụng bồi thường thiệt hại về đất với mức 80% đơn giá thu hồi đất và 70% giá trị phần nhà ở, công trình. Cụ thể hệ số điều chỉnh giá đất để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án gồm: 5 triệu đồng/m2 và 4 triệu đồng/m2 đối với thôn Đông Đồng; 2 triệu đồng/m2 đối với thôn Hộ Vệ và 1,5 triệu đồng/m2 đối với thôn Đông Xuyên. Tuy nhiên, qua nhiều lần đối thoại, vận động, tuyên truyền các hộ dân vẫn không đồng tình.

Bài, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Ngày 26/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã chia làm hai tổ tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN