Hà Nam: Giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

Ngày 23/9, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp phỏng vấn người chấp hành xong án phạt tù.

Tại phiên giao dịch, 160 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thị xã Duy Tiên, huyện Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí.

10 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực: dịch vụ bảo vệ, may mặc, sản xuất linh kiện điện tử…, đã trực tiếp phỏng vấn với các tiêu chí phù hợp khả năng, trình độ, chuyên môn và điều kiện của người chấp hành xong án phạt tù, mức lương từ 4,5 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Đây là phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm thứ tư cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong 3 phiên giao dịch trước, đã có khoảng 300 người chấp hành xong án phạt tù tham gia. Kết quả, 26 doanh nghiệp đã tiếp nhận 97 người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc với mức thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi người.

Đại tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an) cho biết, những năm qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương với tinh thần chủ động, sáng tạo đã tổ chức nhiều hình thức đa dạng, phong phú trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi nói chung, người chấp hành xong án phạt tù nói riêng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Một trong những điển hình là tỉnh Hà Nam với cách làm rất hay, sáng tạo, đó là phối hợp tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Đây là hoạt động có ý nghĩa, giải quyết vấn đề căn cơ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người chấp hành xong án phạt tù là giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai để họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Đại tá Nguyễn Thị Quế Thu đề nghị Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tổ chức có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng; trong đó, tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ mới ra khỏi cơ sở giam giữ, trở về cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hơn nữa công tác tổ chức đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cũng như các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động; thống nhất về cơ chế phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa Công an tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, nhằm tạo sự kết nối liên tục, kịp thời giữa nhu cầu tìm kiếm việc làm của người chấp hành xong án phạt tù với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho lực lượng Công an các cấp thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)
Xây dựng chiến lược lao động và việc làm ở TP Hồ Chí Minh
Xây dựng chiến lược lao động và việc làm ở TP Hồ Chí Minh

Ngày 6/9, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN