Trong ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trực tiếp giám sát 3 dự án giao thông trên địa bàn tỉnh gồm: Đường ĐT.768, đường Hoàng Văn Bổn và đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.
Giám sát tại đường Hoàng Văn Bổn, nhiều người dân phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về tình trạng xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, tai nạn giao thông liên tục xảy ra trên tuyến đường này. Người dân mong muốn ngành chức năng sớm sửa chữa, nâng cấp đường Hoàng Văn Bổn.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tại đường Hoàng Văn Bổn đã có 9 người chết vì tai nạn giao thông.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có 20 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các dự án đều vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm tiến độ, thiếu vốn. Trong đó, Dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa với chiều dài hơn 5,4 km, vốn đầu tư hơn 2.650 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2020 - 2024 song đến nay mới bàn giao được 37% mặt bằng, công tác thi công chậm, hầu hết người dân nhường đất phục vụ dự án chưa được bố trí tái định cư.
Dự án Hương lộ 2, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2020 - 2024 nhưng vì vướng mặt bằng nên nhiều lần phải gia hạn tiến độ. Dự án xây dựng Đường ĐT.770B với chiều dài gần 43km, tổng mức đầu tư khoảng 6.700 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2022 - 2027, hiện vẫn chưa thi công. Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ dùng nguồn vốn từ đấu giá đất để triển khai Đường ĐT.770B. Hiện tỉnh đã phê duyệt đề án khai thác khu đất lợi thế trên Đường ĐT.770B, song những khu đất này chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thể đưa ra đấu giá.
Hiện ở Đồng Nai có 3 dự án BOT đã đưa vào khai thác. Các dự án BOT góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là Dự án BOT đường 768 (từ thành phố Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu). Gần 4 năm qua, Dự án BOT đường 768 phải tạm dừng thu phí, điều này khiến chủ đầu tư không có tiền trả lãi vay, bảo trì đường. Tỉnh mong muốn chấm dứt hợp đồng BOT tại đường 768 để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương, song pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh phương thức PPP nhằm xử lý những bất cập hiện nay; ban hành quy định, hướng dẫn việc chấm dứt hợp đồng đối với các dự án BOT; tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tại các dự án PPP để khuyến khích nhà đầu tư triển khai dự án.
Tại buổi giám sát, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tiến hành sửa chữa ngay đường Hoàng Văn Bổn; nghiên cứu việc cấm phương tiện có tải trọng trên 5 tấn không được lưu thông vào một số khung giờ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Quản Minh Cường đánh giá, các công trình, dự án giao thông trọng điểm tạo động lực rất lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Ngành chức năng trong tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh việc thu hồi đất, sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Về bố trí tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất, ông Cường cho rằng cần sử dụng ngân sách của tỉnh để bù trừ phần chênh lệch, không để người dân bị thiệt thòi khi đã nhường đất cho Nhà nước làm dự án. Công tác bố trí tái định cư tại các dự án cần được triển khai nhanh, không để kéo dài.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp các kiến nghị của địa phương gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.