Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, tỉnh đã đề ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa. Địa phương thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển một số ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu sâu các chỉ số, chỉ tiêu thành phần Chỉ số đổi mới sáng tạo; học tập, nghiên cứu các tỉnh, thành phố có điểm số cao, cách làm hay đối với các chỉ số, chỉ tiêu thành phần để xây dựng kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực; đảm bảo hiệu quả thực chất của các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định Đỗ Hải Điền, năm 2023 kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh Nam Định đạt 34,90 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố (xếp thứ 11/11 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng). Do đó thời gian tới, Nam Định cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tỉnh phấn đấu năm 2024 sẽ nâng điểm Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương nằm trong nhóm khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; duy trì vị trí xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước trong những năm tiếp theo. Nam Định tiếp tục nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao chất lượng điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số vào phục vụ và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo, tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy các chỉ số được đánh giá là điểm mạnh của địa phương năm 2023 bao gồm: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tài chính vi mô/GRDP; hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp; tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những mặt hạn chế; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, tỉnh cần có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào và đầu ra như: Trình độ phát triển của doanh nghiệp; trình độ phát triển của thị trường; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ...