Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, PCI, PAPI là những chỉ số quan trọng, là “mạch máu” của nền kinh tế, tạo động lực phát triển nhiều lĩnh vực khác. Tạo lập chất lượng điều hành tốt cũng chính là tạo lập thương hiệu địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định, đồng thời yêu cầu năm 2021 cần sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm cao từ các ngành các cấp; rà soát các chỉ số thành phần, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn để đạt thành tích cao cho chỉ số PCI.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, để giữ vững số điểm về hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương có 4 giải pháp nâng cải thiện chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021 như: Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các đề án khuyến công, chống gian lận thương mại và buôn lậu nhằm ổn định thị trường.
Theo ông Dũng, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở tham gia ít nhất 2 sàn Thương mại điện tử Alibaba và Sendo; các cụm công nghiệp đảm bảo đủ nguồn điện cho doanh nghiệp đầu tư đưa vào hoạt động…
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho hay, tỉnh sẽ quan tâm và tập trung cải thiện tốt hơn các chỉ số tính minh bạch, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức; duy trì và cải thiện các chỉ số tăng điểm như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Theo ông Châu, tỉnh chỉ đạo kịp thời việc quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch thông tin; minh bạch trong đấu thầu, quy hoạch quỹ “đất sạch” phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; cung cấp các dịch vụ trực tuyến “một cửa”; mở rộng lĩnh vực tiếp nhận, trả hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích….
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, tỉnh sẽ thực hiện việc tiếp cận đất đai thuận lợi hơn thể hiện qua chỉ tiêu “Số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” chỉ còn lại 10 ngày (theo Luật là 30 ngày, theo chỉ tiêu thực hiện cải thiện chỉ số PCI cam kết 14 ngày). Lĩnh vực này, Đồng Tháp cũng được doanh nghiệp đánh giá cao nhất nước, góp phần tăng số điểm của PCI cho năm 2021 .
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, tỉnh Đồng Tháp đạt 72,81 điểm (tăng 0,71 điểm so với năm 2019), tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 PCI trên cả nước. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 7 liên tiếp nằm trong nhóm 3 của các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.
Năm 2020, Đồng Tháp có 6/10 chỉ số dẫn đầu cả nước như: tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Kết quả xếp hạng cho thấy, mức độ cải thiện của tỉnh là rất đồng đều, trải dài qua các lĩnh vực khảo sát, chứ không chú trọng vào một vài chỉ số.
Đây chính là yếu tố quan trọng, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, đó là: “cải thiện môi trường đầu tư” là để phục vụ doanh nghiệp, chứ không phải chỉ để có “kết quả đẹp” trên bảng xếp hạng.
Tại hội nghị đánh giá PCI năm 2020 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 16 tập thể và 6 cá nhân hoàn thành xuất sắc trong việc thực hiện PCI năm 2020.