Cắt giảm chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh

Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20 %/năm, chiếm tỷ trọng 8 - 10 % GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60 %; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20 % GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Đó là kỳ vọng với ngành logistics được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 26/11.

Nhiều triển vọng cho ngành logistic từ các FTA

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)... giúp phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối về tài chính, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ là cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ logistics, song cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cắt giảm chi phí logistics đang là chủ đề mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời phục hồi đà tăng trưởng bị sụt giảm do tác động của dịch COVID-19. Do đó, rất cần những ý kiến đóng góp từ các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ này trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2 Hà Nội được chọn là địa phương tổ chức Diễn đàn logistics và cho biết, năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố ước tăng 4,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280.000 tỷ đồng... Đây là những mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy đánh giá, ngành logistic Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistic hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, các doanh nghiệp logistic mới đáp ứng 25% nhu cầu. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Chú thích ảnh
Lễ ra mắt ấn phẩm Logistics. Ảnh: Trần Việt /TTXVN.

Đặt mục tiêu tăng trưởng ngành logistics đạt 15 - 20 %/năm

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế. Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12 - 14 %, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 - 70 %, đóng góp khoảng 4 - 5 % GDP.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục như chi phí dịch vụ logistics còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả…

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế. Chính phủ xác định rõ phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistic. 

“Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20 %/năm, chiếm tỷ trọng 8-10 % GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60 %; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20 % GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Để thực hiện định hướng và mục tiêu đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách; khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. 

Đặc biệt, ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics. Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai; sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thuỷ nội địa…Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo Quy hoạch. Đây là điều kiện quan trọng để giảm chi phí logistics. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. 

Phó Thủ Tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương chủ trì sớm xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực ASEAN và các nước đối tác (RCEP); sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra “đột phá” phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics, các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics, công nhận chuyên ngành đào tạo logistics; nghiên cứu để sớm hình thành một Hiệp hội về phát triển nhân lực logistics để liên kết, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhanh chóng mở rộng và nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành.

“Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics chủ động đổi mới mô hình, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Thu Trang/Báo Tin tức
Công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2020
Công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2020

Ngày 24/11, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN