Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% lao động nông nghiệp được học qua các khóa khuyến nông, khuyến ngư… và có việc làm sau đào tạo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, có 29 nghề nông nghiệp được tỉnh tập trung đào tạo gồm 17 nghề trồng trọt, 5 nghề chăn nuôi và 7 nghề nuôi trồng thủy sản; thời gian đào tạo 15 ngày/khóa. Việc xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình các nghề mới được tỉnh thực hiện chặt chẽ, khoa học, dựa trên nền tảng giáo trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, được cập nhật thường xuyên hàng năm, đảm bảo phù hợp với việc dạy, học nghề, đối tượng người học và đặc điểm của vùng, thích ứng tốt điều kiện sản xuất của địa phương.
Đồng Tháp tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình về kinh tế nông nghiệp từ 5-10 tiết để bổ sung vào chương trình, giáo trình hiện có; từng bước đào tạo và hỗ trợ nông dân chuyển tư duy, kỹ năng từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”; hình thành đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp” tiên phong, uy tín, tâm huyết làm lực lượng nòng cốt, đầu tàu để vận động, khơi dậy tính tự lực, hợp tác của người dân với nhau, đồng thời có kiến thức về kinh tế nông nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp xây dựng chương trình, giáo trình kỹ thuật nuôi cá thác lác cườm, kỹ thuật ương cá tra giống...
Qua học nghề, lao động nông thôn đã nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Hiện tỉnh có khoảng 80% lao động áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; có kỹ sư hoặc cán bộ trung cấp thủy lợi và các kỹ sư chuyên ngành khác để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm cung cấp nguồn lao động có trình độ cao phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa hiện đại; đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển đổi nhận thức, cách nghĩ của lao động nông thôn từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”.