Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ đến hết ngày 25/8. Giữa lúc dịch diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp, sáng kiến hữu ích của nông dân trong việc chăm sóc vụ lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2021 được nhiều địa phương trong tỉnh đưa ra. Đó là việc hình thành những "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội cho những nông dân có ruộng ở xa nhà, không thể thăm đồng.
Ở huyện Tháp Mười có 13/13 xã, thị trấn, thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất, thu hoạch nông sản. Đặc biệt, xã Láng Biển thành lập được tổ "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội cho những hộ nông dân có ruộng tại xã Láng Biển, nhưng lại sinh sống ở các tỉnh lân cận, hoặc các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng không đến chăm sóc lúa được.
Anh Hồ Văn Cường, nhà ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh xa cánh đồng. Nếu đi thăm đồng, anh phải qua nhiều trạm chốt, kiểm soát sẽ bất lợi. Từ đó, anh chuẩn bị phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi cho "Biệt đội" chăm sóc lúa xã Láng Biển chăm hộ trong thời gian giãn cách xã hội. Từ khi giãn cách xã hội đến nay hơn 1 tháng, anh Cường chưa cần đến thăm ruộng mà ruộng nhà anh vẫn được chăm sóc. Bởi, anh Cường chỉ cần gọi điện thoại cho tổ và gửi thuốc, phân rồi trả tiền công.
"Biệt đội" chăm sóc lúa ở Láng Biển có 9 thành viên được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tổ chia ra 2 nhóm gồm: nhóm bón phân và nhóm phun xịt thuốc. Bình quân mỗi ngày, tổ phục vụ 10 chủ ruộng. Khi thực hiện xong việc bón phân, phun thuốc, tổ trưởng Đặng Trường Thọ chủ động chụp hình, quay phim chuyển qua zalo cho chủ ruộng để biết về tình hình ruộng lúa của mình và nếu có cần những gì chăm sóc ruộng lúa theo yêu cầu, tổ có mặt ngay.
Còn anh Phạm Văn Đông, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đến giáp ranh huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do không qua địa bàn đồng ruộng của mình thường xuyên vì thực hiện giãn cách xã hội đã gửi tiền mua phân, thuốc và nhờ thuê nhân công chăm sóc gần 2 ha lúa Thu Đông. Anh Đông cho biết, giá thuê chăm sóc lúa, cũng như phun xịt thuốc không tăng, bình quân 180.000 đồng/lần phun xịt cho 1 ha lúa.
Anh Đông cho biết thêm, sau 10 ngày phun xịt thuốc, bón phân, theo hình ảnh của tổ dịch vụ chụp gửi qua zalo, anh vui mừng khi lúa của anh phát triển tốt.
Không chỉ khác tỉnh đến sản xuất lúa ở Đồng Tháp mà nhiều hộ dân sản xuất lúa từ xã này qua xã kia trong huyện cũng thực hiện việc thuê người địa phương lân cận nơi sản xuất lúa để chăm sóc. Anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười sản xuất lúa gần xã Đốc Binh Kiều cùng huyện.
Do tình hình dịch COVID-19, anh thuê người địa phương làm dịch vụ bón phân cho 1 ha lúa Thu Đông. Nhờ tổ chăm sóc lúa uy tín nên anh yên tâm và anh chỉ cần gửi tiền mua thuốc, phân và tiền công là tổ thực hiện chu đáo, khi thu hoạch anh mới đến tận nơi.
Anh Phúc cho biết thêm, sắp tới anh thuê phương tiện bay không người lái để phun xịt thuốc, bón phân. Đây là phương thức phun xịt nhanh, hạn chế được người trực tiếp phun xịt thuốc, tránh độc hại, nhưng hiệu quả cao. Đội phun xịt thuốc, bón phân thuê bằng thiết bị không người lái có địa chỉ, số điện thoại, chỉ cần gọi là đội đến ngay, kịp thời phục vụ với giá dịch vụ từ 180.000 - 200.000 đồng/ha.
Đến vùng biên giới xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, anh Chu Văn Sum, một cán bộ huyện Hồng Ngự cho biết, xã Thường Thới Tiền có đội dịch vụ chăm sóc lúa chuyên nghiệp, giúp cho bà con có ruộng ở xa nơi sản xuất.
Đội có hơn 10 thành viên, nếu bà con có ruộng ở xã Thường Thới Tiền nhưng ở tỉnh An Giang hoặc các huyện, thị lân cận trong tỉnh Đồng Tháp, chỉ cần gọi điện thoại đến tổ dịch vụ cần chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội. Tổ dịch vụ sẽ cử người có chuyên môn sản xuất lúa đến thửa ruộng và tìm hiểu lúa cần phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật loại gì và báo cho chủ ruộng chuyển tiền thuê dịch vụ. Khi chủ ruộng cần xem phun xịt, kiểm tra đồng ruộng, tổ sẽ gọi qua zalo trực tiếp cho chủ ruộng xem trực tiếp giám sát. Giá cho mỗi ha phun xịt thuốc, bón ổn định từ 150.000 - 180.000 đồng/ha.
Tỉnh Đồng Tháp đang trong thời kỳ giãn cách xã hội, khi có dịch vụ “Biệt đội” chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội đã góp phần tránh đứt gãy trong quá trình sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2021. Điều này cũng góp phần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.