Doanh nghiệp cần chia sẻ với bà con nông dân trong thời điểm này. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chia sẻ, đồng hành, trách nhiệm cùng nông dân.
Lúa Hè Thu giảm cả năng suất, giá bán
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Hè Thu 2021 đã thu hoạch được 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha. Năng suất vụ đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha. Sản lượng khoảng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 793 nghìn tấn.
Hiện lúa đang giai đoạn chín còn 420 nghìn ha; giai đoạn đòng trổ 370 nghìn ha; đẻ nhánh 18,7 nghìn ha. Ước thu hoạch lúa Hè Thu trong tháng 8 được 680 nghìn ha với sản lượng đạt 3.808 nghìn tấn, sản lượng lũy kế đạt 7.867 nghìn tấn. Dự kiến đến 15/9/2021 kết thúc thu hoạch.
Theo Bộ Công Thương, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 2/8 đến 6/8: đầu tuần ổn định; giữa tuần giá lúa giảm từ 50 – 300 đồng/kg, sau đó cuối tuần tăng nhẹ.
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg. Do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa. Hiện các công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa có hướng xử lý.
Về tình hình thu mua lúa gạo vụ Hè Thu 2021, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thu mua sụt giảm từ 20-30%. Sản lượng thu mua giảm do: doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới; nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”; hệ thống sấy lúa, nhà máy xay, ghe…. không hoạt động được do phải có test nhanh COVID-19.
Theo ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, vừa qua giá lúa giảm vì cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, theo thông lệ hằng năm, vào chính vụ lúa Hè Thu giá lúa cũng giảm so với bình quân của lúa Đông Xuân. Cộng thêm hiệu ứng thị trường giá gạo thế giới giảm, các nhà máy phải thực hiện giãn cách, “3 tại chỗ” nên năng lực sản xuất cũng giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cam kết mua lúa cho nông dân nhưng cũng có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa có xuống để họ "bắt đáy", ông Trần Anh Thư nói.
Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long, lúa Thu Đông gieo sạ đang chậm hơn so với cùng kỳ năm trước 15,5 nghìn ha, với trên 365 nghìn ha, đạt 53,32% kế hoạch.
Diện tích lúa Thu Đông xuống giống chậm hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc thu hoạch lúa Hè Thu bị chậm lại làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống lúa Thu Đông. Mặt khác, xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.
Tạo “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo
Theo ông Lê Thanh Tùng, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Trong khi khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.
Trước việc tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn, ông Trần Anh Thư cho biết, hiện trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất có 2 Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Miền Nam lại “án binh bất động”, kho để trống, không biết lý do tại sao. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang rất lỗ lực thu mua, thậm chí thu mua vượt năng lực của họ.
Theo ông Trần Anh Thư, các địa phương đã thành lập các tổ ra đồng nhưng phải test nhanh và chỉ thu hoạch tại trong địa phương đó…; hay phương tiện vận chuyển từ địa phương này không được sang địa phương khác. Ông Trần Anh Thư đề xuất, các địa phương cần thống nhất việc các thương lái, tàu ghe đi thu mua lúa gạo trên các tỉnh ở trong khu vực chỉ cần có gắn mã nhận diện và người trên phương tiện có kết quả test âm tính thì đồng ý cho lưu thông nhanh. Hiện nhiều địa phương áp dụng thương lái đi từ vùng dịch về bị cách ly, nên họ sẽ rất e ngại di chuyển.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng thông tin, thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ, từ người đi thu mua cho đến lao động gặt lúa, bốc vác xuống ghe. Các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Những nhà máy tổ chức sản xuất được “3 tại chỗ” thì năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công.
Bên cạnh đó, có địa phương hiện vẫn lo ngại và hạn chế cho phép tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” dù các thương nhân có đủ điều kiện thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ lúa Hè Thu 2021. Hiện nay, với năng lực của một số thương nhân xuất khẩu gạo, việc tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoàn toàn có thể đáp ứng được trong khoảng thời gian kéo dài từ 15-30 ngày.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị, các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa như: mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ lúa cho người dân được diễn ra thông suốt.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng cần thiết lập hệ thống “luồng xanh” cho hệ thống ghe vận chuyển. Để chặn đà giảm giá doanh nghiệp cần đặt cọc ngay từ bây giờ cho nông dân. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho ngân hàng thương mại thu mua lúa cho nông dân được vay ưu đãi lãi suất với việc thế chấp bằng lúa. Điều này cũng sẽ đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong 4 tháng.
Trước những khó khăn ở địa phương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, địa phương cần rà soát theo chuỗi sản xuất để gỡ khó khăn. Hiện nhiều địa phương thực hiện quá chặt. Các thương lái rất quan trọng vì họ phải đi gom thu mua lúa nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong lưu thông, vận tải. Nếu gặp khó khăn thì chắc chắn lực lượng này sẽ không đi thu mua.
Ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các đơn vị chuyên môn cần báo cáo với cấp cao nhất của địa phương có chính sách nhất quán. Không vì dịch COVID-19 mà ngăn giao thông, vì dịch không thể trong thời gian ngắn có thể khống chế được. Do đó, địa phương cần có biện pháp trong thời gian dài hạn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nhưng khó khăn của hoạt động doanh nghiệp trong nông nghiệp là còn phụ thuộc, ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân.
"Chính sự không ăn khớp trong ngành hàng lúa gạo nên khi đã rối gặp khó khăn lại càng rối thêm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá và cho rằng nếu các bên không cùng nhau bàn cách tháo gỡ chung thì sẽ rất khó giải quyết. Do vậy, mỗi bên cần chia sẻ, chịu thiệt một chút để cùng nhau vượt qua khó khăn này.
Ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long không phân chia theo địa giới hành chính. Các thương lái, doanh nghiệp có thể đi lại giữa các tỉnh thành thu mua nên chỉ cần một cú “vấp ngã” ở lưu thông thì sẽ dồn ứ. Các tỉnh đều cam kết tạo điều kiện trong lưu thông nhưng ở các huyện, xã, trạm thì không được như vậy. Các địa phương cần nắm bắt kịp thời tình hình để tháo gỡ nhanh khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tỉnh cũng cần thường xuyên trao đổi để cùng tháo gỡ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.