Tỉnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng; trong đó, xác định nông thôn mới phải là những vùng quê đáng sống; sự hài lòng của người dân chính là thước đo thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình nông thôn mới tại Bạc Liêu được thực hiện đều khắp các địa phương, nhưng nỗi bật nhất là ở huyện Phước Long. Đây là huyện được Trung ương chọn làm chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới năm 2011.
Bí thư Huyện ủy Phước Long Nguyễn Chí Thiện cho biết, mặc dù xuất phát điểm thấp, (bình quân chưa đến 7 tiêu chí/xã, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn) nhưng bằng quyết tâm chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng tham gia của người dân nên đến cuối năm 2015, huyện đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2017, huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Phước Long, qua nhiều năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê đã thay đổi, khoác lên mình chiếc áp mới. Dễ nhận thấy nhất là diện mạo nông thôn thay đổi rất rõ nét. Từ những vùng quê đơn thuần, không lâu trước đây còn đầy cầu khỉ, đường đất “mưa lội sình, nắng hít bụi”, nhà cửa tuềnh toàng, giờ lộ giao thông nông thôn tráng bê tông, nhà ngói nhà tường, biệt thự vườn thay nhau mọc lên. Cuộc sống đổi thay theo hướng tươi đẹp hơn, người nông dân càng thêm gắn bó với quê hương, thêm yêu mảnh đất của mình.
Đề cập về xây dựng nông thôn mới, ông Đinh Hoàng Quân (xã Phước Long, huyện Phước Long) phấn khởi chia sẻ, trước đây chưa từng nghĩ cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, đời sống của người dân khấm khá như bây giờ. Ông Quân rất vui và tự hào khi thấy quê hương mình ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Vì vậy, gia đình sẽ tiếp tục chung tay cùng chính quyền địa phương nâng chất những các tiêu chí nông thôn mới để làng quê ngày càng tươi đẹp hơn.
Không riêng gì Phước Long, nhiều vùng quê khác của tỉnh Bạc Liêu cũng thay da đổi thịt từng ngày. Tại xã Ninh Thanh Lợi A (huyện Hồng Dân), điều mà người dân phấn khởi nhất chính là điều kiện sống, sinh hoạt ngày càng được cải thiện. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.
Chuyện các hộ gia đình ở đây có thu nhập hàng tỷ đồng/năm không hiếm. Gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt (ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) là ví dụ. Với hơn 10 ha sản xuất mô hình tôm - lúa, trung bình mỗi năm ông Thiệt đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Sản xuất hiệu quả, ông Thiệt xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện đầu tư phương tiện sản xuất, mua sắm đầy đủ các vật dụng trong gia đình.
Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân Phan Thanh Sung chia sê, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thời gian qua, xã được cấp trên quan tâm đầu tư phát triển hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cùng với đó là xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, xây dựng nông thôn mới gồm 3 cấp độ: nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, với mức độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng tăng dần. Tỉnh xác định phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc“. Vì vậy, khi xã, hay huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu rồi không có nghĩa là xây dựng nông thôn mới kết thúc mà phải tiếp tục kiên trì, hoàn thiện, nâng chất hơn nữa các tiêu chí đã đạt. Tỉnh đặc biệt chú ý xây dựng kiểu mẫu, nhất là kiểu mẫu về lĩnh vực sản xuất, sản xuất có phát triển (nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,...) thì đời sống vật chất tinh thần của bà con sẽ tiếp tục được nâng lên và xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa.
Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đối với cơ sở hạ tầng dù xây dựng hoàn thiện, nhưng phải xây dựng Kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, duy tu, bão dưỡng các công trình hạ tầng này, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả phát huy tối đa công năng của công trình phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Các vùng quê nông thôn mới đẹp rồi, giàu rồi nhưng chưa đủ, mà đòi hỏi an ninh trật tự - an toàn xã hội phải luôn được giữ vững, thực hiện có hiệu quả công tác kiềm chế, trấn áp các loại tội phạm mà thời gian qua có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn. Để quê hương thật sự yên bình, mọi người yên tâm phát triển sản xuất và cống hiến chính là góp phần xây dựng nông thôn mới trở thành những vùng quê đáng sống”, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nông thôn mới, ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí cũ sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo quy định hiện nay. Đặc biệt chú trọng các tiêu chí mang tính chất hỗ trợ thúc đẩy tăng thu nhập cho người dân, tiêu chí môi trường, hệ thống giao thông nông thôn, an ninh - trật tự xã hội… Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đô thị hóa, trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn…
Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ”.