Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc Đề án do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước triển khai trên địa bàn từ năm 2019. Đối tượng thụ hưởng đề án chủ yếu là dân quân thường trực, dân quân dự bị, Bộ đội Biên phòng, người đã lập gia đình nhưng có hoàn cảnh khó khăn và chưa có nhà ở ổn định tự nguyện về sinh sống tại điểm dân cư biên giới.
Tại Bình Phước, qua 3 năm tỉnh đã triển khai xây dựng 11 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh và Bù Đốp, bàn giao cho các gia đình thuộc diện thụ hưởng, góp phần chăm lo đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh nơi biên giới.
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, được bố trí trên khu đất bằng phẳng, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang. Năm 2019, 35 hộ thuộc các đối tượng nằm trong dự án được chuyển về đây sinh sống. Sau hơn 3 năm, cuộc sống nhiều người dân nơi đây càng ngày ổn định hơn nơi ở trước kia. Hộ gia đình ông Dương Danh Sơn (60 tuổi) không thể nào quên những năm tháng khó khăn vì thiếu đất sản xuất và nhà ở. Trước đây, ông Sơn đã từng là công nhân của Trung đoàn 717 (Binh Đoàn 16), nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Sau khi hết tuổi lao động, các con đều lập gia đình riêng và ở địa phương khác lập nghiệp. Vợ chồng ông Sơn vẫn ở ngôi nhà trên mảnh đất canh tác cây hồ tiêu khoảng 0,5 ha.
Theo ông Dương Danh Sơn, từ năm 2019, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương cấp cho căn nhà trên mảnh đất 360 m2 và tặng kèm một số vật dụng khác như ti vi, quạt điện, nồi cơm điện… gia đình rất phấn khởi, không phải ở trong rẫy như trước nữa. Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ 6 triệu đồng. Số tiền dù nhỏ, nhưng gia đình ông đã đầu tư mua cặp dê sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình ông đã phát triển hơn chục con. Vừa qua, ông Sơn đã bán 5 con dê để có tiền trang trải cho gia đình, còn lại 9 con tiếp tục nuôi.
Ông Dương Danh Sơn phấn khởi cho biết: “Từ khi Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho người dân biên giới an cư lạc nghiệp và cấp cho mỗi hộ một căn nhà làm nền tảng vững chắc phát triển kinh tế, chúng tôi rất phấn khởi. Tại đây, mọi người vừa tăng gia sản xuất, vừa có trách nhiệm trông nom biên giới”.
Bên cạnh đó, sau khi đã có nhà ở ổn định kiên cố, ngoài đầu tư phát triển trồng cây hồ tiêu, cây ăn trái trên mảnh đất 0,5ha, gia đình ông Sơn còn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ trước nhà để có thêm thu nhập.
Gia đình anh Phạm Quốc Sự (39 tuổi) và chị Phan Thị Hải đã tình nguyện chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa để “an cư, lạc nghiệp”. Vợ chồng anh Sự, chị Hải hiện đã có 2 người con. Cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng đã ổn định hơn trước. Trước khi chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, vợ chồng anh Sự sinh sống tại thôn 4, xã Thiện Hưng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo và không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu đi làm thuê. Từ khi tình nguyện về điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, có được căn nhà và ít vốn liếng, anh chị quyết tâm vượt khó vươn lên.
Có được cuộc sống như ngày hôm nay, anh Phạm Quốc Sự phấn khởi cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện cho vợ chồng anh cũng như người dân đang sinh sống ở đây có cuộc sống ổn định hơn. Đồng thời, anh mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ thêm đất canh tác, nuôi thêm dê, bò để tăng thu nhập, cuộc sống bền vững hơn.
Đến nay, không chỉ hộ gia đình ông Dương Danh Sơn, anh Phạm Quốc Sự, mà còn rất nhiều hộ dân phấn khởi khi phần nào đã thoát cảnh khó khăn hơn trước kia, cùng nhau phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Những hộ dân này còn là “tai, mắt” hỗ trợ lực lượng vũ trang, lực lượng biên phòng ở địa phương trong quá trình hoạt động chuyên môn cũng như công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Ông Vũ Viết Quý, Chốt trưởng Chốt dân quân xã Thanh Hòa cho biết: "Từ khi có người dân sinh sống ở đây đã góp phần giúp lực lượng vũ trang trong quá trình hoạt động tuần tra bảo vệ an ninh trật tự. Từ đó, chúng tôi có thể nắm bắt ngay những đối tượng vi phạm quy định về an ninh biên giới. Có bà con, việc giữ gìn an ninh, trật tự cũng như các vấn đề liên quan được giải quyết triệt để và nhanh chóng hơn so với trước đây.
Không chỉ điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp), hiện nay việc xây dựng các điểm dân cư ở khu vực biên giới Bình Phước đã làm thay đổi diện mạo vùng biên. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân ở các điểm dân cư này đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ biên giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.
Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đề án điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đã và đang góp phần gìn giữ an ninh trật tự biên giới, ổn định đời sống người dân vùng biên.