Dịch COVID-19: Lạng Sơn đánh giá đúng tình hình thực tế để chủ động chống dịch

Ngày 6/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp trực tuyến 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại cuộc họp. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Lạng Sơn, từ ngày 1/11/2021 - 5/1/2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.183 ca mắc COVID-19 (trong đó 856 ca trong cộng đồng, 254 ca là lái xe đường dài, còn lại là F1 chuyển thành F0 và từ vùng dịch về).

Riêng từ ngày 1- 5/1/2022, Lạng Sơn ghi nhận 456 ca mắc mới; trung bình mỗi ngày có 91 ca (trong đó có 215 ca cộng đồng, F1 chuyển thành F0 215 ca, còn lại là số lái xe đường dài và người từ vùng dịch về). Tổng số F1 đang cách ly là 4.205 trường hợp, Hữu Lũng là huyện có số F1 cách ly cao nhất với 1.243 trường hợp.

Hiện cấp độ dịch toàn tỉnh là cấp 1 - vùng xanh; có 19/200 xã, thị trấn thuộc cấp 2 - vùng vàng và 5/200 xã, thị trấn thuộc cấp 3 - vùng cam.

Về công tác tiêm chủng, Lạng Sơn đã tiêm trên 1,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho hơn 506.000 người (đạt 97,17% liều được cấp). Toàn tỉnh thành lập 155 trạm y tế lưu động, trong đó có 4 trạm được phép thu dung và điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng.

Trước những nhận định về tình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề… , ngành Y tế Lạng Sơn đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án về đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư, nhân lực… ứng phó với dịch theo từng cấp độ; đồng thời, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch ở quy mô 3 cấp. Các địa phương huy động lực lượng để phục vụ việc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch với phương châm nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, các địa phương đã chủ động, khẩn trương thành lập các cơ sở cách ly tập trung, tổ chức đưa F1 và người về từ vùng dịch theo quy định; duy trì hoạt động của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong giám sát, theo dõi và quản lý cách ly tại nhà; lên kế hoạch sẵn sàng cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phương, thị trấn để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh cuộc họp. 

Tại cuộc họp, các địa phương cùng các sở ngành đã có những ý kiến liên quan tới khó khăn, hạn chế phát sinh trong công tác phòng, chống dịch cơ sở như: công tác đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm và trang thiết bị y tế; việc sàng lọc COVID đối với các lái xe đường dài trên các bến bãi khu vực cửa khẩu; chính sách hỗ trợ đối với bác sỹ, nhân viên y tế làm việc tại các trạm y tế; việc thu gom vận chuyển, xử lý rác thải y tế, chất thải lây nhiễm tại các cơ sở  cách ly tập trung và trạm y tế lưu động…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết Lạng Sơn vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá đúng tình hình thực tế trên địa bàn để tiếp tục chủ động, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời kiểm soát tình hình địa phương; tích cực tuyên truyền thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức phòng dịch trong nhân dân; huy động đội ngũ tình nguyện viên tham gia chăm sóc người bệnh và thực hiện các công việc hành chính để giảm tải cho nhân viên y tế; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phát huy tối đa vai trò của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng. Đặc biệt, tại các chốt kiểm soát liên ngành, địa phương có cửa khẩu lưu ý việc kiểm soát tốt và ngăn chặn nguồn lây từ các lái xe đường dài, người về từ vùng nguy cơ cao. Chính quyền địa phương trong tỉnh lên phương án đón Tết cho cán bộ y tế và những người đang điều trị trong các khu cách ly tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế địa phương tăng cường khám sàng lọc tại những nơi nguy cơ, tập trung đông người; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện, phương án cách ly F1 tại nhà và tiến tới việc điều trị F0 tại nhà; đồng thời, chủ động chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, đặc biệt là kit xét nghiệm nhanh, thuốc kháng virus để sẵn sàng ứng phó với tình huống bùng phát dịch và lây lan số lượng lớn trong cộng đồng.

Tin, ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Chi 74.000 tỷ đồng cho chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Chi 74.000 tỷ đồng cho chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 74.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID- 19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN