Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Trong 2 tháng còn lại của năm 2023, các đơn vị phải làm việc xuyên suốt, với tinh thần không có ngày nghỉ; lãnh đạo các đơn vị hạn chế đi công tác xa, nghỉ phép không cần thiết để tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngay trong năm nay, tỉnh phải giải ngân hết toàn bộ nguồn vốn đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Nai đang chậm, tuy nhiên, năm 2023 tỉnh vẫn đặt mục tiêu giải ngân từ 80 - 95% vốn đầu tư công. Để làm được điều này, mới đây, Đồng Nai ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt giải phóng mặt bằng; rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác bồi thường, tái định cư nhằm điều động nhân lực từ các đơn vị đến hỗ trợ xã, phường có dự án lớn đi qua.
Các địa phương thành lập tổ vận động bàn giao mặt bằng, trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, sớm di dời nhường đất phục vụ dự án. Đồng thời, xử lý nghiêm chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế những nhân sự yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà cũng như kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, năm 2023, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai trên 14.700 tỷ đồng, hơn 10 tháng qua, tỉnh mới giải ngân được khoảng 5.000 tỷ đồng, đạt gần 34% kế hoạch. Năm nay, trong nguồn vốn đầu tư công của Đồng Nai có hơn 1.250 tỷ đồng vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội (chương trình); hiện tỉnh mới giải ngân được khoảng 160 tỷ đồng vốn thuộc chương trình, trong khi đó, hết năm 2023 nguồn vốn của chương trình hết thời hạn giải ngân.
Nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai chậm, đạt thấp do vướng giải phóng mặt bằng. Điển hình như: tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, năm nay chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc được bố trí hơn 1.300 tỷ đồng. Đến nay, do chưa có giá đất bồi thường nên chưa thể chi tiền cho người dân vùng dự án.