Các ý kiến tại tọa đàm đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nguyên nhân và hiến kế cho sự phát triển của ngành du lịch Hải Dương thời gian tới.
Theo đánh giá chung, du lịch Hải Dương có nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn; còn hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhân lực ngành du lịch, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc quảng bá du lịch và liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ.
Các đại biểu cho rằng để đưa du lịch của tỉnh phát triển lên tầm cao mới, thời gian tới, sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng đặc thù, có tính cạnh tranh cao là những điều Hải Dương cần quan tâm triển khai.
Một số ý kiến mong muốn ngành văn hóa, Hiệp hội Du lịch tỉnh cần tăng cường các tọa đàm, hội thảo để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển. Tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp ở những tỉnh, thành phố khác trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cần phát huy vai trò, tổ chức nhiều hoạt động kết nối chất lượng, khuyến khích thành viên xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách.
Nhìn nhận ngành du lịch của tỉnh chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, du lịch Hải Dương cho biết, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Một trong những giải pháp được tỉnh xác định là tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng tour, tuyến du lịch nội tỉnh, hợp tác với các tỉnh, thành phố để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, Hải Dương sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu cho du lịch của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết Sở tiếp tục đồng hành với Hiệp hội Du lịch trong ứng dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch của tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Chia sẻ với thiệt hại nặng nề của các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch do dịch COVID-19, Sở sẽ là đầu mối kiến nghị với tỉnh có những chính sách đặc thù để phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19. Lãnh đạo Sở cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, kết nối với các đơn vị cùng ngành, xây dựng các sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn với du khách.
Theo thông tin tại tọa đàm, Hải Dương hiện có 3.199 di tích với 383 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, 4 di tích và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 237 di tích cấp tỉnh. Đồng thời, Hải Dương cũng đang sở hữu 8 bảo vật quốc gia, 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có trên 700 lễ hội truyền thống đang được lưu giữ, bảo tồn.
Tính đến tháng 12/2021, Hải Dương hiện có 345 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn hạng 4 sao, 5 khách sạn hạng 3 sao, 13 khách sạn hạng 2 sao. Toàn tỉnh có 4 khu, 9 điểm du lịch cấp tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận, có 14 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Từ năm 2020 đến nay, khi xảy ra dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa thời gian dài. Nhân lực lĩnh vực du lịch cũng đã giảm, từ 5.100 lao động tại thời điểm năm 2020 thì đến năm 2021 đã giảm chỉ còn khoảng 3.300 người.
Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lượng du khách đến Hải Dương tăng trưởng bình quân 8%/năm; trong đó, tỷ lệ khách lưu trú chỉ đạt khoảng 30%.