Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã đề ra các chương trình hành động, đề án về việc tập trung phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường và cơ hội việc làm cho người lao động... Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án đưa người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024 - 2026.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoạt động nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nhiều lợi ích kinh tế khác. Mặt khác, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ, tay nghề, tích lũy kinh nghiệm và vốn để đầu tư phát triển.
Tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2024 là 2.000 lao động; năm 2025 là 2.500 lao động và năm 2026 là 3.000 lao động). Ước tính bình quân mỗi lao động thu nhập khoảng 25 triệu đồng/người/tháng. Sau 3 năm làm việc, người lao động tích lũy được từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Khi trở về nước, trình độ tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên. Đây sẽ là nguồn nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thuộc lĩnh vực có yêu cầu trình độ, tay nghề và kỹ thuật cao. Lao động này sẽ là lực lượng nòng cốt, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk.
Các đối tượng là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng; người lao động cư trú hợp pháp tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, sinh viên, học sinh, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, người lao động có mức sống trung bình… sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Tỉnh Đắk Lắk đề ra các giải pháp như: Xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch; đưa mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; đa dạng các nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng thông tin, tuyên truyền về quyền và lợi ích của người lao động; có giải pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Đắk Lắk là tỉnh có dân số trẻ với hơn 1,9 triệu người (dân tộc thiểu số chiếm 36%). Mỗi năm bình quân có khoảng 20.000 người bổ sung vào lực lượng lao động. Hằng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng trên 30.000 người, trong đó đi làm việc ở nước ngoài khoảng trên 1.500 người.
Từ năm 2018 - 2023, Đắk Lắk có 7.144 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chiếm 3,85% so với tổng số người lao động được giải quyết việc làm (số lao động được giải quyết việc làm năm 2018 - 2023 là 185.500 người). Đến nay, hầu như tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thu nhập bình quân khoảng 25 - 30 triệu đồng/người/tháng. Các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác với ngành, nghề như: cơ khí, sản xuất chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp...