Hơn 130 học viên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Đắk Lắk tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, học viên được thông tin về các chuyên đề: Những điểm mới cần lưu ý trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026; công tác tổ chức các hội nghị hiệp thương, kế hoạch giám sát và tiến độ đang triển khai cuộc bầu cử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử và những điểm cần lưu ý.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Ngọc Tý cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để người dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia Quốc hội và HÐND các cấp. Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được tiến hành từ tháng 1/2021, cao điểm từ tháng 4/2021 đến ngày bầu cử, kết thúc tuyên truyền sau khi công bố kết quả bầu cử.
Hội nghị tập huấn nhằm giúp các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên nắm bắt những vấn đề trọng tâm của công tác bầu cử, một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, những nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND. Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại Đắk Lắk tuyên truyền sâu rộng về cuộc bầu cử, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; tập trung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng cuộc bầu cử để gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đoàn kết dân tộc, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân, góp phần để tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Theo ông Y Mơ Mlô - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, công tác tuyên truyền góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử. Các đơn vị truyền thông cần bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục có hiệu quả về cuộc bầu cử. Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh đang tiến hành tuyên truyền về cuộc bầu cử bằng tiếng Ê Đê và tiếng Kinh. Ngoài thông tin trên báo chí, công tác tuyên truyền cần chú trọng tiến hành bằng hai cách, tuyên truyền bằng loa đài hoặc tuyên truyền trực tiếp để người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được thông tin của cuộc bầu cử.